Mặc dù đã xuất hiện rất nhiều nghiên cứu về chu kỳ kinh tế, cho đến nay vẫn chưa tạo được sự đồng thuận về mặt khoa học liên quan tới khái niệm về chu kỳ kinh tế, đặc biệt nguyên nhân của chu kỳ kinh tế. Theo Burns và Mitchell (1946), chu kỳ kinh tế là một chu kỳ kinh doanh, bao gồm bốn pha lần lượt: suy thoái, khủng hoảng
– tiêu điều, phục hồi và hưng thịnh. Tuy nhiên, theo một số quan điểm kinh tế hiện đại, khủng hoảng theo nghĩa nền kinh tế trở nên tiêu điều, thất nghiệp tràn lan, các nhà máy đóng cửa hàng loạt, … hiếm khi xảy ra. Bởi vì, khi suy thoái kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, Chính phủ các nước thường hoạch định những chính sánh can thiệp vào nền kinh tế nhằm giảm nhẹ hậu quả do suy thoái gây ra. Vì thế, một số quan điểm mới mà tiêu biểu là Samuelson và Nordhalls (2007) cho rằng, chu kỳ kinh tế là sự biến động của GDP thực theo trình tự ba pha lần lượt là suy thoái, phục hồi và hưng thịnh (Hình 2.2). Trong đó, pha suy thoái là sự suy giảm của tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực trong thời gian hai hoặc hơn hai quý liên tiếp (tốc độ tăng trưởng kinh tế âm liên tục trong hai quý).
Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) của Hoa Kỳ đưa ra định nghĩa suy thoái kinh tế là sự sụt giảm hoạt động kinh tế trên cả nước, kéo dài nhiều tháng đến hơn một năm. Suy thoái kinh tế có thể liên quan tới sự suy giảm đồng thời nhiều chỉ số kinh tế như việc làm, đầu tư, lợi nhuận doanh nghiệp và có thể gắn liền với lạm phát hoặc giảm phát. Sự suy thoái trầm trọng và lâu dài được gọi là khủng hoảng kinh tế (NBER, 2010).
Pha phục hồi là khi GDP bắt đầu tăng trở lại và tăng cho đến khi đạt bằng mức GDP trước suy thoái kinh tế. Quá trình phục hồi ra khỏi thời kỳ thu hẹp được xác định bằng việc nền kinh tế đã tăng trưởng ngày một cao trong ba quý liên tiếp kể từ điểm đáy. Điểm ngoặt giữa hai pha suy thoái và pha phục hồi là đáy của chu kỳ kinh tế (Samuelson và Nordhalls, 2007).
Pha hưng thịnh là khi GDP tăng lớn hơn mức GDP đạt lúc trước khi suy thoái xảy ra thì nền kinh tế đang ở pha hưng thịnh và pha hưng thịnh kết thúc bằng sự bắt đầu pha suy thoái mới. Điểm ngoặt từ pha hưng thịnh sang pha suy thoái mới gọi là đỉnh của chu kỳ kinh tế (Samuelson và Nordhalls, 2007).
Dựa trên những quan điểm trên và mục đích nghiên cứu của luận án là phân tích tác động của suy thoái kinh tế thế giới đến CTV của doanh nghiệp Việt Nam, tác giả thống nhất với quan điểm của Samuelson và Nordhalls (2007) và NBER cho rằng nền kinh tế có ba pha lần lượt là suy thoái, phục hồi và hưng thịnh. Tuy nhiên, do hạn chế về dữ liệu thu thập và tính chất của chu kỳ kinh tế thế giới – vừa kết thúc pha suy thoái và đang dần phục hồi nhưng chưa đạt đến pha hưng thịnh. Vì vậy, phạm vi nghiên cứu của luận án chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu hai pha suy thoái và pha phục hồi.
Chu kỳ kinh tế cũng như hiện tượng suy thoái kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp. Do đó, việc nghiên cứu hệ thống các lý thuyết của chu kỳ kinh tế và suy thoái kinh tế là nhiệm vụ quan trọng được các quốc gia quan tâm. Tuy nhiên, những trường phái khác nhau đưa ra những cách giải thích khác nhau về suy thoái kinh tế. Sau đây luận án trình bày quan điểm của một số trường phái cơ bản và từ đó, tác giả vận dụng các lý thuyết này để giải thích các hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế gắn với suy thoái kinh tế.
Để lại một bình luận