Xuất phát từ vị trí, nhiệm vụ đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp nước ta nói chung là: đảm bảo nhu cầu ăn cho xã hội có sự trữ và xuất khẩu ngày càng lớn, vì thế lương thực phải giải quyết toàn diện từ sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu dùng, việc giải quyết lương thực của ta không phải chỉ có lúa mà cả màu, không chỉ mở rộng diện tích mà phải đẩy mạnh thâm canh cây lương thực. Khả năng phát triển sản xuất lương thực ở nước ta còn lớn.
Trước hết, là nâng cao năng suất cây lương thực. Điều kiện tự nhiên nước ta bên cạnh những khó khăn lớn, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi rất cơ bản để phát triển sản xuất trồng trọt. Năng suất cây lương thực của ta hiện nay còn thấp, và năng suất còn chưa đồng đều giữa các vùng. Tất cả điều đó tạo ra khả năng lớn để thâm canh tăng năng suất cây lương thực.
Thứ hai, khả năng mở rộng diện tích cây lương thực. Việc mở rộng diện tích khai hoang phát triển cây lương thực, ở nước ta không còn nhiều, hiện nay cả nước còn khoảng 7 vạn ha có khả năng khai hoang trồng lúa, tập trung trên 60% ở đồng bằng sông Cửu Long, còn lại ở rải rác các nơi và tất cả diện tích có thể khai hoang đều là những chỗ khó khăn nhất, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn. Việc tăng vụ gắn liền với việc thay đổi cơ cấu mùa vụ, tiềm năng còn khá lớn. Hiện nay vòng quay của đất còn thấp, chứng minh tầm quan trọng và tính bức thiết của tăng vụ để mở rộng diện tích gieo trồng.
Cuối cùng, việc tiếp tục hoàn thiện cơ cấu sản xuất lương thực bằng cách tăng tỷ trọng màu lương thực cả về diện tích và sản lượng vì trong cơ cấu màu cần loại bỏ dần những cây màu dài ngày, năng suất thấp thay bằng cây ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt.
Để biến khả năng thành hiện thực nhằm phát triển mạnh sản xuất lương thực, cần phải thực hiện đồng bộ một số biện pháp kinh tế, kỹ thuật thích hợp như: phát triển sản xuất lương thực theo hướng sản xuất hàng hoá với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và tạo cơ chế thuận lợi cho xuất khẩu lương thực; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, vốn đầu tư tập trung đúng mức cho hai vùng lúa hàng hoá lớn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng, coi trọng đầu tư vào không công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản vận chuyển và tiêu thụ; giải quyết tót công tác thủy lợi gắn liền với việc phòng chống bão lụt, đẩy mạnh sản xuất phân bón, sản xuất giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và làm tốt công tác khuyến nông cho những người sản xuất lương thực. Nghiên cứu tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo bằng cách nâng cao năng lực tiếp thị, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Để lại một bình luận