Thứ nhất, Việt Nam đã có các định hướng cấp quốc gia và những nỗ lực trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ di chuyển lao động kỹ năng trong ASEAN, bao gồm: nền tảng, cơ sở hệ thống, hành lang pháp lý chính sách, quy định liên quan đến quản lý di chuyển lao động, đã có những hướng dẫn, phổ biến bước đầu về di chuyển lao động kỹ năng trong khu vực, tạo điều kiện cho lao động kỹ năng tiếp cận, nắm thông tin về di chuyển lao động kỹ năng trong ASEAN.
Thứ hai, Việt Nam đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các dạng di cư lao động khác (như hợp tác chuyên gia, tu nghiệp sinh, xuất khẩu lao động theo chương trình kỹ sư vàng). Các cơ quan liên quan đã có kinh nghiệm trong tổ chức và quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việt Nam có khá nhiều công ty tham gia cung cấp dịch vụ tạo nguồn, tư vấn, đào tạo, hỗ trợ thủ tục pháp lý, quản lý lao động trước, trong và sau quá trình di chuyển lao động trong khu vực ASEAN và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Thứ ba, Việt Nam có nguồn lao động trẻ dồi dào, khéo léo, tiếp thu nhanh, đây là điều kiện thuận lợi để lao động kỹ năng Việt Nam có thể đạt được trình độ chuyên môn, tay nghề cao đáp ứng tiêu chuẩn ASEAN và những tiêu chí đặt ra trong di chuyển theo MRAs. Tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động thuộc nhóm cao trong các nước ASEAN và quy mô lực lượng lao động khá lớn. Lao động Việt Nam có truyền thống chăm chỉ, sẵn sàng nhận các công việc khó khăn, chấp nhận xa gia đình, xa quê hương để làm việc. Một bộ phận lao động kỹ năng của Việt Nam có thể đạt yêu cầu về kỹ năng ở 8 nhóm nghề, đặc biệt là điều dưỡng, kế toán, du lịch, có thể tham gia đăng ký để được công nhận tay nghề.
Để lại một bình luận