TTTT Mỹ được đánh giá là một thị trường phát triển với nhiều thị trường thành phần cùng hoạt động nên có rất nhiều loại lãi suất tồn tại trên thị trường. Theo đó, FED lựa chọn lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm làm mục tiêu hoạt động trong CSTT. Cụ thể, FED thực thi CSTT thông qua việc tác động đến lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm/lãi suất Quỹ Dự trữ Liên bang qua đêm (over night Fed funds rate), thường được gọi tắt là lãi suất Quỹ dự trữ liên bang), từ đó, tác động đến các loại lãi suất của các thị trường khác trong hệ thống TTTT. FED không đưa ra 1 loại lãi suất chính sách để định hướng lãi suất mục tiêu mà đặt ra một mục tiêu cụ thể do Ủy ban thị Trường mở Liên bang (FOMC) quyết định (nominal/targeted fed funds rate – lãi suất mục tiêu quỹ liên bang – còn gọi là lãi suất danh nghĩa).
Ngoài các lãi suất này, còn có lãi suất quỹ liên bang thực (effective fed fundsrate), là giá trị bình quân gia quyền các mức lãi suất thực tế của các giao dịch được thực hiện bởi các nhà môi giới lớn trên thị trường quỹ liên bang. Lãi suất này được FED kiểm soát thông qua việc điều chỉnh khối lượng dự trữ trong hệ thống ngân hàng và qua đó cũng kiểm soát mức cung tiền (tăng khối lượng dự trữ sẽ làm cho lãi suất quỹ liên bang thực giảm và ngược lại). Thông qua việc điều chỉnh này, các ngân hàng có thể thay đổi khối lượng dự trữ dự tính sử dụng để cho vay, từ đó tác động đến khối lượng các khoản vay trong hệ thống tài chính và khối lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế.
Để giữ cho lãi suất quỹ liên bang luôn nằm trong biên độ lãi suất mục tiêu mà Ủy ban thị trường mở đặt ra, FED sử dụng nhiều công cụ/biện pháp, như: các hoạt động trên thị trường mở, chính sách dự trữ bắt buộc, số dư tài khoản thanh toán bù trừ theo thoả thuận11 và cho vay thông qua của sổ chiết khấu (discount window).
Nghiệp vụ thị trường mở là công cụ được sử dụng trong giao dịch hàng ngày nhằm cung ứng tiền cho các bảng cân đối dự trữ liên bang phù hợp với mức lãi suất mục tiêu mà Ủy ban thị trường mở đặt ra, qua đó góp phần kiểm soát lãi suất quỹ liên bang. Khi thực hiện nghiệp vụ thị trường mở mà nguồn cung vẫn không đủ thì sẽ thực hiện nghiệp vụ cho vay thông qua cửa sổ chiết khấu nhằm giảm áp lực đối với lãi suất quỹ liên bang.
Để quản lý hoạt động thị trường mở, FED đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với các tài sản được mua bán, giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, để hoạt động thị trường mở có hiệu quả, FED phải mua, bán các công cụ của các thị trường lớn với các giao dịch khối lượng lớn mà không gây biến dạng hay mất cân bằng thị trường. Theo đó, trái phiếu kho bạc là công cụ đáp ứng được các điều kiện nêu trên; trong danh mục của FED, trái phiếu kho bạc chiếm khối lượng lớn. Tuy nhiên, khối lượng và kỳ hạn của từng loại trái phiếu mà FED nắm giữ phụ thuộc vào ưu tiên thanh khoản của Ủy ban thị trường mở. Để dễ dàng quản lý thanh khoản và tính trung bình kỳ hạn, FED cũng đưa ra quy định về tỷ lệ nắm giữ từng loại trái phiếu trong tổng danh mục của mình (FED thường nắm giữ trái phiếu kho bạc ngắn hạn/T-bill nhiều hơn so với các loại chứng khoán khác).
Dưới sự ủy quyền của Ủy ban Thị trường mở, Ngân hàng Dự trữ New York đứng ra thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở cho FED dưới hình thức “Tổ chuyên trách giao dịch thị trường mở” hay “Tổ chuyên trách”. Tổ chuyên trách được uỷ quyền để tiến hành kinh doanh với các tổ chức giao dịch chứng khoán tại Mỹ và với các tổ chức nước ngoài và quốc tế có tài khoản tại Ngân hàng Dự trữ New York. Những tổ chức mà Tổ chuyên trách giao dịch mua bán với họ được gọi là tổ chức giao dịch chính. FED yêu cầu những tổ chức giao dịch chính phải đáp ứng các tiêu chuẩn về vốn của cơ quan điều tiết của họ và đáp ứng các tiêu chí khác phù hợp với một đối tác lớn và đáng tin cậy. Tất cả các nghiệp vụ thị trường mở tiến hành với những tổ chức giao dịch chính được thực hiện thông qua một quá trình đấu giá.
FED cũng kiểm soát mức cung tiền bằng việc quy định cụ thể lượng tiền dự trữ mà các ngân hàng và các tổ chức nhận tiền gửi phải dành riêng ra dưới hình thức số dư trong tài khoản tiền gửi của họ tại FED hoặc dưới dạng tiền mặt tại kho quỹ của mình (vault cash). Khoản dữ trự này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về dự trữ bắt buộc mà còn phục vụ cho hoạt động thanh toán bù trừ liên ngân hàng. Theo đó, quỹ dự trữ (fed funds) là các khoản cho vay không bảo đảm giữa các tổ chức tiền gửi các số dư dự trữ mà các tổ chức này phải nắm giữ tại các Ngân hàng dự trữ liên bang hoặc trong kho quỹ của mình. Quy định về dự trữ bắt buộc cũng là một công cụ hữu ích trong việc thực hiện nghiệp vụ thị trường mở về phương diện có thể dự đoán được nhu cầu về dự trữ liên bang và như vậy cũng đẩy mạnh sự kiểm soát lãi suất quỹ liên bang của FED.
Để lại một bình luận