Năm 2007, hoạt động phát hành cổ phiếu tăng mạnh từ với gần 200 đợt phát hành của 192 công ty và 4 ngân hàng thương mại với tổng lượng vốn huy động đạt gần 55.846 tỷ đồng. Trong năm 2008, thị trường suy giảm, tổng số vốn huy động chỉ đạt hơn 14.300 tỷ đồng thông qua hơn 100 đợt chào bán ra công chúng. Thị trường phục hồi vào năm 2009 cho hoạt động phát hành qua thị trường chứng khoán, đặc biệt là phát hành cổ phiếu. Tổng số vốn huy động qua phát hành cổ phiếu năm 2009 đạt 21.724 tỷ đồng tăng hơn 50% so với năm 2008. Thị trường tiếp tục tăng mạnh trong năm 2010, đạt 65.510 tỷ đồng, chiếm 37,71% GDP với 647 công ty niêm yết.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2012, nền kinh tế Việt Nam rơi vào suy thoái, trong đó, các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ làm ăn thua lỗ, trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, ngân sách nhà nước suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát. Kết quả, số lượng cổ phiếu phát hành ra công chúng năm 2011 chỉ đạt 30.477 tỷ đồng, giảm 36.5% so với năm 2010, và chỉ đạt 20.417 tỷ đồng trong năm 2013, tiếp tục giảm 19.7% so với năm 2012. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp kinh tế vĩ mô nhằm giải cứu nền kinh tế, như: tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, sáp nhập hoặc chia tách trên cơ sở kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng…
Từ năm 2013-2015 thị trường tăng trở lại, lạm phát được kiểm soát ổn định, phục hồi tăng trưởng kinh tế, lượng cổ phiếu phát hành ra công chúng đã tăng mạnh trở lại, năm 2013 đạt 64.578 tỷ đồng, mức vốn hóa thị trường đạt 948.750 tỷ, tăng 10,7% so với năm 2012, chiếm 26,47% GDP.
Điều này cho thấy, các công ty tham gia niêm yết phát hành có quy mô hơn, các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã phát huy hiệu quả trên thực tế. Nói cách khác, các doanh nghiệp nhà nước đã làm quen được với việc huy động vốn từ công chúng đầu tư, góp phần thúc đẩy nhanh việc sắp xếp khu vực doanh nghiệp nhà nước theo tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam và huy động vốn cho ngân sách nhà nước.
Hệ thống định chế trung gian của thị trường cổ phiếu Việt Nam tăng mạnh về số lượng và chất lượng. Đến nay có 94 Công ty chứng khoán và 43 Công ty quản lý quỹ hoạt động trên thị trường. Đồng thời, hệ thống các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển mạnh.
Việc gắn công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với công tác tạo hàng cho thị trường cổ phiếu là nhân tố chủ đạo quyết định thành công trong việc tạo ra một nguồn hàng phong phú, góp phần thúc đẩy tăng trưởng quy mô của thị trường.
Tuy nhiên, hoạt động của thị trường cổ phiếu Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế, cụ thể như sau:
– Số lượng và chất lượng hạn chế của cổ phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán. Hạn chế lớn nhất của thị trường là chưa có một lượng hàng hóa đủ lớn về quy mô cũng như cơ cấu. Với hơn 700 công ty được niêm yết vào thời điểm hiện tại, quy mô của thị trường cổ phiếu Việt Nam còn nhỏ so với nhu cầu vốn của nền kinh tế. Nhiều công ty niêm yết hiện là các công ty quy mô nhỏ, chưa đủ gây ra sức hút đối với các nhà đầu tư.
– Cổ tức chưa phải là yếu tố được các nhà đầu tư chú trọng và quan tâm khi đầu tư chứng khoán mà chủ yếu là thặng dự vốn và đầu cơ chờ tăng giá chứng khoán.
– Sự tham gia tích cực của những nhà đầu tư tổ chức trên thị trường còn hạn chế, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân còn chiếm lớn trong cơ cấu nhà đầu tư. Về phía cầu, nhiều nhà đầu tư cổ phiếu trên thị trường Việt Nam là cá nhân và mang tính đầu cơ hơn là đầu tư, góp phần tạo tính bất ổn của thị trường. Điều này làm cho chính các doanh nghiệp ngần ngại khi quyết định huy động vốn qua thị trường cổ phiếu. Những nhà đầu tư có tổ chức Việt Nam cũng như nước ngoài chưa tham gia nhiều vào mua cổ phiếu của các công ty niêm yết, một phần là do tính kém hấp dẫn của các cổ phiếu trên thị trường, nhưng cũng một phần do những khó khăn, phức tạp liên quan đến khuôn khổ pháp lý. Những khó khăn đó là khung pháp lý về bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số chưa đầy đủ, thiếu các chuẩn mực về công khai minh bạch thông tin, các quy định chưa rõ ràng về chế độ thuế đối với nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài, các hạn chế về hạn mức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài…
– Hoạt động mua bán cổ phiếu trên thị trường phi chính thức lớn hơn nhiều lần so với thị trường chính thức và chưa được kiểm soát đúng mức. Việc bán cổ phiếu cho công chúng ở bên ngoài thị trường giao dịch chứng khoán (thị trường phi tập trung OTC) diễn ra khá sôi động, nhưng hiện chưa có hệ thống quy định pháp luật kiểm soát hoạt động này. Trong số 4.546 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa đến hết năm 2017, chỉ có 717 công ty niêm yết (chiếm 15,7%). Như vậy, có thể cho rằng một số lượng cổ phiếu của các doanh nghiệp này đang được mua bán trên thị trường không chính thức và số lượng doanh nghiệp huy động vốn cổ đông từ công chúng trên thị trường không chính thức này gấp khoảng 5,2 lần số doanh nghiệp niêm yết chính thức [Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước- 2017]. Ởt các nền kinh tế phát triển, thị trường OTC thường có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần thị trường tập trung, song thị trường này được kiểm soát bởi các luật lệ khá chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
– Quy mô nhỏ và mức độ công khai thông tin thấp của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tìm cách duy trì chế độ nhiều sổ sách và không công khai thông tin. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do ý định chủ quan, thói quen của doanh nghiệp mà còn do sự thiếu vắng khung pháp lý và các chuẩn mực công khai thông tin, kiểm toán, kế toán của Việt Nam. Các vấn đề này tiếp tục là trở ngại đối với nhà đầu tư và không khuyến khích được hoạt động huy động vốn cổ đông.
Để lại một bình luận