Suy cho cùng thị trường chứng khoán cũng chỉ là một “sân chơi” dành cho các nhà đầu tư sành điệu cho nên, ngoài các điều kiện về “sân bãi” (hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán, hệ thống công bố thông tin…), để thị trường có thể tồn tại, cần phải có “luật chơi” (các văn bản pháp quy và các quy dịnh pháp lý khác) để các “cầu thủ” (các nhà phát hành, các nhà đầu tư) có thể khép mình vào khuôn khổ, để “trọng tài” (Uỷ ban chứng khoán, Hiệp hội các nhà môi giới) có thể điều chỉnh các hoạt động, các mối quan hệ đan xen, phức tạp diễn ra hàng ngày hàng giờ trên thị trường. Có thể xem hành lang pháp lý là rào chắn bảo đảm cho thị trường chứng khoán hoạt động nhịp nhàng, có hiệu quả. Nếu một hoạt động nào đó trong thị trường chứng khoán không được pháp lý điều chỉnh thì thị trường sẽ trở nên hỗn loạn. Vì vậy, chỉ có bằng luật pháp và bằng các quy chế mang tính pháp lý chặt chẽ thì thị trường chứng khoán mới thực sự trở thành nơi đầu tư lành mạnh, mới khuyến khích người dân đầu tư mạnh mẽ vào các chứng khoán và do đó mới huy động tối đa lượng tiền nhàn rỗi trong dân để phát triển sản xuất. Đây là mục đích cuối cùng với thị trường chứng khoán.
Do đó, để tạo hành lang pháp lý an toàn cho thị trường chứng khoán, thiết nghĩ, ít nhất có ba trọng tâm công tác cần phải tập trung triển khai trong thời gian tới.
1. Khắc phục các khiếm khuyết đã và đang bộc lộ trong hệ thống các văn bản pháp quy hiện hành.
a) Loại bỏ dần sự chia cắt và phân đoạn thị trường theo kiểu mỗi một dịch vụ tài chính chỉ có một định chế tài chính chuyên phục vụ.
b) Che chắn các khe hở hiện có.
c) Hạn chế tính mơ hồ, tăng tính nhất quán và minh bạch trong các văn phát luật hiện hành.
2. Chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản điều chỉnh hoạt động của thị trường chứng khoán.
a) Trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả quá trình thực hiện Nghị định 48/NĐ-CP tiến hành chỉnh sửa những điểm bất hợp lý, những điểm chồng chéo hoặc không phù hợp với những quy định tại các văn bản pháp quy khác.
b) Bổ sung, hoàn thiện (về phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh) để chuẩn bị các tiền đề cần thiết cho việc hình thành bộ Luật chứng khoán.
3. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng và ban hành các bộ Luật có liên quan khác Luật khuyến khích pháp triển thị trường vốn, Luật kinh doanh tư vấn đầu tư, Luật lưu ký và thanh toán chứng khoán, Luật bảo vệ các nhà đầu tư chứng khoán….
4. Pháp chế hoá các luật chơi trên thị trường chứng khoán bằng hệ thống luật rõ ràng, bằng các quy chế quản lý và giám sát hợp lý để tạo cơ sở pháp lý xử lý các tranh chấp xảy ra giữa những người đầu tư và tạo điều kiện xây dựng một sân chơi bình đẳng, trật tự, đáng tin cậy cho mọi chủ thể tham gia trên thị trường chứng khoán. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để tránh cho thị trường chứng khoán khỏi bị lợi dụng để biến tướng thành một sòng bạc hoặc chứng khoán Lô tô như ở một số thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu ở một số nước.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực : Kinh nghiệm thực tiễn trong gần mười lăm năm thực hiện chính sách đổi mới ở nước ta đã chỉ rõ rằng, trong bất cứ một lĩnh vực hoạt động nào, nhân tố giữ vai trò quyết định trong mọi hoàn cảnh, tình huống không phải là ở máy móc thiết bị, cơ sở vật chất kỹ
thuật mà là ở nhân tố con người. Là thị trường cao cấp, thị trường chứng khoán cũng cần rất nhiều đội ngũ chuyên viên có trình độ cao trong nhiều lĩnh vực để tồn tại và phát triển. Rõ ràng, để có thể giúp người dân hiểu rõ về bản chất các loại chứng khoán và lựa chọn một tổ hợp các chứng khoán tối ưu, ngoài việc am hiểu các luật lệ mua bán, nhân viên làm việc tại các công ty chứng khoán phải thật sự là các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực quản trị tài chính, quản trị đầu tư, phân tích đầu tư, tiếp thị….
Tại các quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển, việc sát hạch và tuyển chọn các chuyên viên chứng khoán được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt và những tiêu chuẩn hết sức khắt khe. Muốn hành nghề trên thị trường chứng khoán, ngoài tiêu chuẩn phải có là có óc phân tích nhạy bén kinh doanh, khả năng phán đoán và biết đưa ra quyết định đúng lúc, người tham dự tuyển phải được đào tạo và huấn luyện theo một chưng trình đặc biệt. Quy định này hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu bởi sẽ là hết sức nguy hiểm và không có cơ sở gì để đảm bảo an toàn tài sản của người đầu tư nếu như có sự buông lỏng trong quản lý đào tạo, dễ dãi trong việc cấp giấy phép hành nghề cho các cá nhân và tổ chức không hội đủ năng lực chuyên môn cần thiết để hành nghề trên thị trường chứng khoán. Do đó, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thị trường chứng khoán ở Việt Nam, các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới là:
1. Thành lập Viện đào tạo chứng khoán Việt Nam trực thuộc VASD để tổ chức công tác huấn luyện, đào tạo, nâng cao trình độ cho các nhà quản lý thị trường, các giám đốc điều hành công ty chứng khoán, các nhân viên hành nghề chứng khoán .
2. Tổ chức liên tục các chương trình phổ cập những kiến thức cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng (radio, tivi) đồng thời có kế hoạch đưa môn học thị trường tài chính, thị trường chứng khoán vào các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp – dạy nghề, các trường đại học như một môn học bắt buộc.
3. Cập nhật và chuẩn hoá chương trình đào tạo chứng khoán theo đúng các chuẩn mực quốc tế trước hết cho cán bộ giảng dạy về chứng khoán, cho đội ngũ cán bộ làm việc tại các công ty chứng khoán, cho các cán bộ quản lý tài chính tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các “lò” dạy nghề, chất lượng tư vấn của các nhà tư vấn cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản trị vốn, quản trị tài chính tại các công ty.
4. Khai thác có hiệu quả sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán.
5. Mạnh dạn tuyển chọn những sinh viên giỏi, có năng khiếu kinh doanh, có trình độ ngoại ngữ vững vàng ở các trường đại học để gửi đi đào tạo và thực tập ở các sở giao dịch chứng khoán của các nước tiên tiến nhằm hình thành nguồn cán bộ nòng cốt cho thị trường chứng khoán trong những năm tiếp theo.
Để lại một bình luận