Nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách theo quy định của Luật NSNN [53,54] là:
– NSĐP được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao.
– Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo, phân chia nguồn lực NSĐP phải đảm bảo tương quan giữa nguồn lực và nhiệm vụ được phân cấp.
Bản chất của phân cấp quản lý NSNN là trao quyền quyết định chi tiêu và trách nhiệm đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách trong việc quản lý NSĐP. Tuy nhiên, hệ thống NSNN Việt Nam có đặc thù là tính lồng ghép của các cấp ngân sách. Cho nên, mặc dù đã phân cấp nhưng việc QLNS vẫn còn phức tạp, chồng chéo và hạn chế thẩm quyền của các cấp NSĐP. HĐND cấp tỉnh quyết định dự toán chi NSĐP đã bao gồm dự toán chi ngân sách cấp mình và dự toán chi ngân sách cấp dưới (cả chi ĐTPT và chi thường xuyên), chi tiết theo các lĩnh vực.
Đối với lĩnh vực giáo dục ở tỉnh Thanh Hóa, dự toán được giao chi tiết theo các nội dung: chi theo định mức cho khối mầm non, tiểu học, THCS; chi bổ sung nghiệp vụ chuyên ngành, chi đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, chi thực hiện các nhiệm vụ, chính sách…. Như vậy, việc HĐND cấp dưới quyết định dự toán ngân sách cấp mình thực chất là quyết nghị lại dự toán đã được HĐND cấp trên phê chuẩn; việc phân bổ chi tiết cho các lĩnh vực cũng đã được thực hiện khi phân bổ NSĐP, quyền quyết định của HĐND cấp dưới rất thấp. Mặt khác, nguồn lực tài chính để thực hiện nhiệm vụ của từng cấp ngân sách không được đảm bảo đã làm giảm tính chủ động của địa phương trong thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục trên địa bàn. Đáng nói là, nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do việc thiếu ưu tiên ngân sách cho giáo dục của từng cấp ngân sách mà còn có trách nhiệm của ngân sách cấp trên.
Do đó, cơ chế phân cấp quản lý chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 cần được hoàn thiện theo hướng:
– Đối với chi ĐTPT: tăng cường nguồn lực chi ĐTPT cho các địa phương, phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế – xã hội và nhiệm vụ chi của các cấp theo nguyên tắc công trình thuộc cấp nào quản lý thì do ngân sách cấp đó quản lý chi.
Trong giai đoạn vừa qua, nguồn vốn ĐTPT từ nguồn cân đối NSĐP do Sở KH&ĐT chủ trì phân bổ và hầu như chỉ phân bổ cho các công trình cấp tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố không được giao phân bổ vốn ĐTPT từ nguồn cân đối NSĐP. Một số nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc cấp huyện quản lý được tỉnh hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn ĐPTT trong cân đối NSĐP. Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp các trường học thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện, xã chủ yếu được bố trí kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất. Điều này chưa phù hợp với phân cấp nhiệm vụ chi đã được xác định. Do đó, việc phân chia nguồn lực NSĐP cho ĐTPT nói chung, ĐTPT thuộc lĩnh vực giáo dục nói riêng cần quán triệt nguyên tắc về tính phù hợp giữa phân cấp quản lý chi NSĐP với phân cấp quản lý kinh tế xã hội và tổ chức chính quyền địa phương.
– Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở GD&ĐT với Sở Tài chính, Sở KH&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong cung cấp thông tin về kế hoạch phát triển ngành và khả năng nguồn lực dành cho lĩnh vực giáo dục nhằm nâng cao tính hiệu lực của cơ chế phân cấp.
Với vai trò là cơ quan quản lý ngành tại địa phương, mức độ tham gia, tiếng nói cũng như vai trò của Sở GD&ĐT/Phòng GD&ĐT cùng với các Sở, ban, ngành của tỉnh, huyện, nhất là Sở Tài chính và Sở KH&ĐT/Phòng TC-KH trong phân bổ có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo hiệu quả phân bổ. Do nguồn lực đầu tư cho GDCL chủ yếu tập trung ở cấp huyện, xã, do đó Sở GD&ĐT khó có khả năng dự báo được tổng nguồn lực NSĐP dành cho giáo dục, từ đó, khó lựa chọn được chương trình, nhiệm vụ ưu tiên trong từng thời kỳ cụ thể. Đây là một cản trở cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Sở GD&ĐT, làm giảm hiệu quả thực hiện các mục tiêu phát triển ngành. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó đề cao vai trò của ngành giáo dục trong quá trình phân bổ và QLNS cho giáo dục. Sở GD&ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tính toán, xây dựng định mức phân bổ và đề xuất phương án phân bổ NSNN cho các cơ sở giáo dục. Sở GD&ĐT/Phòng GD&ĐT cũng là cơ quan tổng hợp, thẩm định và xác định danh mục ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục; làm căn cứ để Sở KHĐT tham mưu UBND tỉnh quyết định phân bổ vốn đầu tư cho ngành.
Quy trình phối hợp của các bên liên quan trong quá trình xây dựng kế hoạch ngân sách của ngành giáo dục là sự kết hợp quy trình từ trên xuống và từ dưới lên. Trong đó, quy trình từ trên xuống là việc các cơ quan tài chính và cơ quan KHĐT cùng cấp phối hợp thông báo chi tiết các loại trần chi ngân sách ĐTPT và trần chi ngân sách thường xuyên đến từng đơn vị dự toán cấp 1. Quy trình từ dưới lên là việc đơn vị dự toán tổng hợp, sắp xếp nhu cầu chi từ các đơn vị trực thuộc, bám sát trần chi được thông báo. Trên cơ sở đó, cơ quan tài chính và KHĐT sẽ thảo luận với đơn vị về KHTC-NSNN trung hạn và bố trí chi ngân sách cho năm dự toán.
Lộ trình thực hiện giải pháp: hiện nay cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSĐP giai đoạn 2017-2020 tỉnh Thanh Hóa đã triển khai được nửa thời kỳ ổn định, cơ bản phù hợp với quy định của Luật NSNN 2015 và phân cấp quản lý kinh tế – xã hội trên địa bàn. Do đó, trong những năm còn lại của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, tiếp tục triển khai thực hiện theo cơ chế phân cấp đã ban hành và tiến hành đánh giá tình hình thực hiện, sự phù hợp của cơ chế phân cấp điều kiện thực tế địa phương để làm cơ sở cho những điều chỉnh trong giai đoạn ổn định tiếp theo. Định hướng chính hoàn thiện phân cấp quản lý NSĐP trong lĩnh vực giáo dục là đảm bảo tính cam kết và trách nhiệm giải trình của các cấp ngân sách trong việc đảm bảo nguồn lực cho giáo dục theo đúng nhiệm vụ đã được phân cấp.
Để lại một bình luận