Trước mắt tỉnh chỉ đạo cho các sở, ban ngành liên quan tập trung xây dựng và sớm ban hành chương trình hành động về chiến lược biển của Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, theo Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 như một số địa phương khác đã làm.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch & Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành của trung ương nghiên cứu, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu cá, đóng mới tàu vỏ thép, đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, vay tín dụng thương mại phục vụ sản xuất đối với ngư dân, nuôi trồng thủy sản với lãi suất khoảng 5%/năm, thời hạn cho vay 10 năm (riêng đối với đóng mới tàu cá, không tính lãi trong thời gian đóng tàu); phương thức, thủ tục cho vay bảo đảm thuận tiện, phù hợp; nghiên cứu, xem xét cho ngư dân dùng tàu sẽ được đóng bằng vốn vay làm tài sản thế chấp theo chủ trương của Nhà nước.
Khẩn trương xây dựng các phương án, kế hoạch để tận dụng chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá và thân thể đối với ngư dân tham gia hoạt động khai thác trên biển, đảo, tiếp cận được với kinh phí xúc tiến thương mại của Chính phủ, nhanh chóng cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về quy hoạch, đầu tư và phát triển ngành thủy sản nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế biển nói chung, làm cơ sở cho các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng chế biến thủy sản, chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ tàu, ngư dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển khai thác, chế biến dịch vụ hậu cần thủy sản.
Tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế đầu tư vào chế biến thủy sản, lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực và có công nghệ chế biến hiện đại, bảo đảm môi trường; thực hiện tốt Quyết định 2072/QĐ-TTg, ngày 11/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản.
Sở Công thương, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan trung ương tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản tại các thị trường lớn; trong quá trình đàm phán các hiệp định tự do thương mại với các đối tác; mở cửa thị trường, dỡ bỏ các rào cản thương mại, kỹ thuật, tạo thuận lợi cho hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của địa phương nói riêng tiếp cận các thị trường thế giới.
Nhà nước cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến, bên cạnh những hình thức huy động vốn thông thường hiện nay (vay ngân hàng, các tổ chức tín dụng và quĩ đầu tư), có thể đa dạng hình thức huy động vốn bằng liên doanh, liên kết và đặc biệt là cần tăng cường huy động thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu công ty, vay vốn khách hàng, dưới sự bảo lãnh của Nhà nước và địa phương. Đồng thời chủ động thu xếp, bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ thêm một phần lãi suất cho vay (kết hợp với chính sách hỗ trợ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước) bảo đảm lãi suất hợp lý; đặc biệt quan tâm đến chính sách xóa đói giảm nghèo tại các xã ven biển, xã đảo, huyện đảo.
Tỉnh đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm và hệ thống thông tin tầm xa HF cho ngư dân đánh bắt xa bờ, đảm bảo an toàn tài chính cho ngư dân trước rủi ro trong hoạt động đánh bắt xa bờ, xem xét hình thức cho thuê tài chính, cho vay các doanh nghiệp có năng lực để đóng mới, mua tàu và cho ngư dân thuê lại; nghiên cứu thực hiện cho vay khép kín theo chuỗi dịch vụ từ cung cấp hậu cần, đánh bắt, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu hàng hóa. Giao cho các đơn vị bảo hiểm triển khai kịp thời, đồng bộ các loại bảo hiểm cho ngư dân đi biển cũng như các doanh nghiệp khai thác, nuôi trồng, bao tiêu và chế biến thủy sản theo đúng các quy định hỗ trợ của Nhà nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng và hoàn thiện chính sách đa dạng hóa mô hình tổ chức sản xuất. Khuyến khích các mô hình liên kết, liên doanh sản xuất, thương mại giữa các lĩnh vực sản xuất thủy sản, giữa các nhà sản xuất nguyên liệu, các nhà chế biến, các thương nhân, các nhà đầu tư tín dụng… theo chuỗi giá trị ngành hàng với sự tham gia quản lý, tổ chức của cộng đồng, của các Hội, Hiệp hội. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các công trình dịch vụ hậu cần nghề cá như cung cấp điện, nước ngọt, kho trữ dầu với giá bán bằng giá ở đất liền tại một số vùng ven biển, hải đảo, có thể phát triển đội tàu dịch vụ y tế trên vùng biển của tỉnh cũng như các địa phương lân cận như chăm sóc sức khỏe, các sự cố say sóng, tai nạn trên biển, cứu hộ, cứu nạn, lai giáp tàu gặp nạn.
Để lại một bình luận