Đây là hiệp định toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Với những cam kết đã đạt được, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ đem lại nhiều lợi ích, trong đó phải ke đến một số lợi ích chính đó là: mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu; khuyến khích môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng và minh bạch hơn; các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hoá thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ,… sẽ đem đến cơ hội mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của cả hai bên và hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. Đây là những cơ hội có tính đột phá cho ngành dệt may và công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Về tác động chung, theo Baker và cộng sự (2014), hiệp định này sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng từ 7-8% đến năm 2025. Nghiên cứu của Cung và các cộng sự (2017) cũng cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 50% vào năm 2020, mức tăng này cao hơn nhiều so với khi không có EVFTA. Khi hiệp định EVFTA được thực hiện đầy đủ, xuất khẩu sẽ còn tăng hơn nữa vào năm 2025.
Về tác động theo ngành, trong số nhóm hàng chế biến, một số ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA như: dệt, may mặc, giầy dép. So với kịch bản cơ sở, sản lượng của những ngành này sẽ tăng thêm từ 15% đến 30%, trong khi đó sản lượng của một số ngành như điện tử, máy móc, đồ gỗ, hoá chất sẽ tăng chậm lại. Sản lượng ngành chế tác tăng nhanh hơn so với kịch bản cơ sở, đặc biệt là ngành chế tác công nghệ thấp (Petri và Phúc, 2015).
Một vấn đề cần quan tâm đối với một FTA đó là tác động thương mại của việc cắt giảm thuế quan. Về thuế nhập khẩu, với lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh và khá toàn diện, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho hàng xuất khẩu của cả Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau. Theo cam kết, EU sẽ dần xoá bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam trong vòng tối đa 7 năm theo các lộ trình xoá bỏ ngay, xoá bỏ sau 3 năm, 5 năm và sau 7 năm, còn Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn sau 10 năm. EU là bên có lộ trình loại bỏ thuế nhập khẩu nhanh hơn Việt Nam, trong đó nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng chế biến có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam được loại bỏ thuế hoàn toàn ngay khi Hiệp định này có hiệu lực hoặc với lộ trình xóa bỏ ngắn. Có thể nhận thấy rằng, trong số các FTA mà Việt Nam đã kết thúc đàm phán hoặc đã ký kết thì EVFTA là lộ trình tự do hoá thuế quan nhanh nhất đối với Việt Nam. Theo hiệp định này, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,8% số dòng thuế còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Cụ thể , trong nhóm hàng chế biến, một số mặt hàng như dệt may, giày dép, EU sẽ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm tính từ khi hiệp định có hiệu lực; các sản phẩm túi xách, vali, sản phẩm nhựa, gốm sứ thủy tinh… thuế quan sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Nhờ lợi ích to lớn của việc cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu mà hai bên đã thống nhất, Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng chế biến có lợi thế. Trước đây, những mặt hàng này Việt Nam chưa thể đạt được mức xuất khẩu cao do việc áp dụng hàng rào thuế quan của EU thì nay Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU với giá sản phẩm cạnh trạnh hơn. Thành công vượt bậc của hiệp định EVFTA là việc cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ cho hàng hóa xuất khẩu, điều này đóng góp tích cực vào việc tăng cường mối quan hệ thương mại Việt Nam – EU, tạo ra một động lực mới cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam trong nhóm hàng chế biến như: dệt may, giày dép, đồ gỗ của Việt Nam. Hiệu quả thương mại đạt được lớn nhất đối với ngành giầy dép và dệt may của Việt Nam (Baker và cộng sự, 2014)
Lộ trình cắt giảm thuế của EU dành cho Việt Nam đối với một số sản phẩm thuộc hàng chế biến như bảng dưới đây.
Đối với các biện pháp phi thuế quan: Ngoài các cam kết về cắt giảm/xoá bỏ thuế quan, hiệp định EVFTA còn bao gồm các nguyên tắc cơ bản áp dụng trong thương mại hàng hoá của WTO như: đối xử quốc gia, không áp dụng hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu, minh bạch hoá thủ tục cấp phép nhập khẩu, cấp phép xuất khẩu và các quy định nhằm tăng cường tiếp cận thị trường và giảm thiểu các rào cản đối với thương mại hàng hoá giữa hai bên.
Mở cửa thị trường của Việt Nam cho hàng hóa của EU cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khó khăn và gay gắt hơn. Đây là một thách thức vô cùng lớn bởi các doanh nghiệp EU có lợi thế hơn hẳn các doanh nghiệp Việt Nam về năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm thị trường cũng như là khả năng tận dụng các cơ hội FTA mang lại. Tuy nhiên, cam kết mở cửa của Việt Nam là theo lộ trình, do vậy EVFTA cũng là sức ép hợp lý đ các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Tóm lại, với tính toàn diện, phạm vi cam kết rộng, hiệp định có thể có tác động tích cực và đáng kể đối với kinh tế Việt Nam. Với tính bổ sung hỗ trợ nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU, Việt Nam thường xuất khẩu những hàng hóa không phải là thế mạnh của EU (chẳng hạn như dệt may) còn phần lớn hàng hóa EU xuất khẩu sang Việt Nam là những mặt hàng Việt Nam chưa phát tri ển hoạt động sản xuất (như ô tô, dược phẩm…). Hiệp định được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư giữa hai bên, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giúp tiếp tục ổn định an sinh xã hội.. .tại mỗi bên, đặc biệt góp phần quan trọng nâng cao giá trị cạnh tranh và làm gia tăng thị phần xuất khẩu hàng chế biến của Việt Nam sang thị trường này.
Để lại một bình luận