Hiệp định ASEAN về Di chuyển thể nhân (MNP) được ký ngày 19/11/2012 tại Phnom Penh, Cam-pu-chia với mục tiêu dỡ bỏ đáng kể các rào cản đối với việc di chuyển tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN. Hiệp định về di chuyển thể nhân là một thoả thuận chấp nhận việc cấp thị thực cho các nhân viên của ASEAN, những người là nhà quản lý hoặc chuyên gia muốn nhập cảnh vào một quốc gia theo yêu cầu của công việc hiện tại của họ. Hiệp định MNP được thiết lập nhằm minh bạch hóa các quy trình, bổ sung quyền và nghĩa vụ liên quan đến di chuyển thể nhân giữa các nước thành viên.
Phạm vi áp dụng: Hiệp định này áp dụng đối với các quy định ảnh hưởng tới việc di chuyển tạm thời qua biên giới của thể nhân của một nước ASEAN sang lãnh thổ của nước ASEAN khác. Lưu ý rằng MNP không áp dụng cho lao động chưa qua đào tạo hoặc lao động phổ thông, mà chỉ áp dụng trong các trường hợp: (i) Doanh nhân (business visitors); (ii) Người di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; (iii) Người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng; (iv) Một số trường hợp khác quy định cụ thể trong “Biểu lộ trình cam kết về di chuyển thể nhân” của mỗi nước đính kèm theo hiệp định này.
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements – MRAs) là một trong những công cụ để hỗ trợ thúc đẩy di chuyển của lao động có kỹ năng tronkhuôn khổ AEC. Các MRAs này giúp những người có kinh nghiệm và/hoặc kỹ năng phù hợp trong các ngành nghề liên quan được chứng nhận và có thể làm việc tại nước ngoài. MRAs không thay thế cho luật của các quốc gia thành viên mà chỉ được các nước tiếp nhận lao động áp dụng theo luật pháp và các quy định hiện hành của nước mình.
MRAs có mục tiêu: (i) Xác định khuôn khổ và thiết lập cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ khi đàm phán các MRAs giữa hai quốc gia hoặc giữa các quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho việc thừa nhận lẫn nhau và sự di chuyển của các nhà chuyên môn; (ii) Trao đổi thông tin nhằm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau và thu thập/chia sẻ những điển hình tốt nhất về các tiêu chuẩn và trình độ chuyên môn.
Hiệp định Khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS) được ký vào cuối năm 1995 tại Thái Lan thừa nhận vai trò và tầm quan trọng của MRAs trong việc thúc đẩy hội nhập thương mại dịch vụ ngày càng sâu hơn trong ASEAN. Tại Hội nghị Cấp cao ASEn lần thứ 7 vào tháng 11/2001, các Nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất về thực hiện các MRAs nhằm tạo điều kiện cho các dịch vụ chuyên nghiệp trong khuôn khổ của AFAS. Cho đến thời điểm này, ASEAN đã ký kết MRAs trong 7 lĩnh vực nghề và 1 Khung thỏa thuận (Phụ lục 14).
Việc triển khai MRA được thực hiện theo các bước sau: (i) Xây dựng bộ máy tổ chức; (ii) Xây dựng khung khổ pháp lý quốc gia; (iii) Triển khai quy trình đánh giá và quy trình đăng ký cấp phép.
Để lại một bình luận