Bên cạnh đường biển, hệ thống mạng lưới giao thông vận tải qua cụm cảng Hải Phòng bao gồm: Hệ thống giao thông đường bộ; Hệ thống giao thông đường thủy nội địa; Hệ thống giao thông đường sắt và Hệ thống đường hàng không.
Hệ thống giao thông đường bộ: Đường bộ là phương thức chủ yếu mang hàng đến và rút hàng đi khỏi cảng. Các tuyến đường bộ chủ yếu gồm đường 5 và đường 10 có chất lượng thấp, làn đường hẹp chỉ cho phép 2 làn xe 1 lượt cộng thêm lượng xe container lớn trên 6000 đầu xe thường xuyên qua lại nên gây ách tắc khu vực tuyến đường vào cảng, đường nhanh chóng bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hệ thống giao thông đường thủy nội địa: Hải Phòng có hệ thống sông ngòi dày đặc, với 19 tuyến sông lớn trên địa bàn đặc biệt là 16 tuyến thủy nội địa quốc gia đi qua với tổng chiều dài 326km và 9 tuyến đường thủy địa phương, chiều dài là hơn 141 km. Hải Phòng có ưu thế rất lớn về sự đa dạng của hệ thống đường thủy phía bắc, góp phần quan trọng trong giao lưu, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội của thành phố và các tỉnh duyên hải Bắc Bộ.
Đường sông đến các tỉnh phía bắc như Hà Nội, Hà Bắc, Thái Bình, Việt
-Trì do sông nông, nhỏ thường chở bằng xà lan mớn nước thấp gây nguy hiểm, và chỉ chuyên chở các mặt hàng thường giá trị thấp như gạo, phân bón, than, quặng…
Hệ thống vận tải đường hàng không: Hải Phòng có hai sân bay: sân bay quốc tế Cát Bi là sân bay đầu tiên của miền Bắc thời Pháp thuộc, hiện nay đang có các hãng hàng không khai thác gồm Vietnam Airline, Jestar và Vietjet Airlines đang khai thác các đường bay, và sân bay Kiến An là đại bản doanh của không lực hải quân VN, do Bộ Quốc phòng quản lí. Các tuyến này phục vụ hành khách, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và vận tải quốc tế nào.
Hệ thống giao thông vận tải đường sắt: Với thành phố Hải Phòng, đường sắt đóng vai trò kết nối Hải Phòng như một “cạnh” của tam giác phát triển kinh tế (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc. Hải Phòng có một tuyến đường sắt là tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, do Pháp xây dựng từ năm 1901 hiện được sử dụng để vận chuyển hành khách và hàng hóa đi qua địa phận các tỉnh thành.
Ga Hải Phòng ngày nay là ga loại 1 của ngành đường sắt Việt Nam, trực thuộc Công ty Vận tải hàng hoá đường sắt, hàng ngày có 6 đến 8 đôi tàu nhanh, nối liền Hà Nội – Hải Phòng, thời gian đi về chỉ 2 giờ. Tuy nhiên, chủ yếu để phục vụ hành khách, nhưng mức phục vụ thấp, không quá 6% lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt mỗi năm, trang thiết bị phần lớn đã cũ và lạc hậu.
Hệ thống giao thông vận tải đường biển: Bên cạnh hệ thống cảng biển đã liệt kê ở trên, cụm cảng Hải Phòng kết nối với các tuyến đường vận tải biển trong nước (Hải Phòng đi Hồ Chí Minh, Cái Mép, Quy Nhơn, Cửa Lò) và quốc tế (Hải Phòng-Thượng Hải-Busan, Hải Phòng-Hồng Kông-Thâm Quyến, Hải Phòng-Hồng Kông-Kaohsiung,…).
Các tuyến đường biển bị hạn chế cỡ tàu cập cảng do luồng tàu vào khu vực cảng biển Hải Phòng bị bồi lắng nghiêm trọng, do đó các tuyến vận chuyển ít, các tàu container ghé cảng là các tàu gom hàng cỡ nhỏ (feeder), số lượt tàu ghé tuyến hàng tuần thấp. Thực tế này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng thông quan của tuyến đường biển mà còn lãng phí năng lực cảng.
Để lại một bình luận