Phục vụ cho nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư, đến nay, sau một năm hoạt động, đã có 8 công ty chứng khoán được SSC cấp phép hoạt động. Trong điều kiện môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, mới mẻ, nhiều công ty chứng khoán đã chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống giao dịch, tự động hoá hệ thống nhận và chuyển lệnh, hệ thống cung cấp thông tin, hệ thống kế toán để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, kinh doanh trong môi trường có nhiều bất ổn vì có quá nhiều yết tố rủi ro chi phối, hoạt động của công ty chứng khoán vẫn còn nhiều hạn chế cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động. Cho đến nay, ngay tại cả các công ty chứng khoán được cấp giấy phép kinh doanh đủ cả 7 dịch vụ thì dịch vụ môi giới và tư vấn vẫn là dịch vụ chủ yếu; dịch vụ tự doanh được thực hiện cầm chừng vì cơ chế phòng ngừa và quản lý rủi ro vẫn chưa được xác lập. Trong lúc đó, do quá nhiều rủi ro không thể dự tính, 2 dịch vụ được cấp phép nhưng cho đến nay vẫn chưa được công ty chứng khoán nào triển khai là bảo lãnh phát hành và quản lý danh mục đầu tư.
Về phương thức nhận lệnh, nếu như ở các thị trường phát triển, việc nhận lệnh của các phương tiện hiện đại như điện thoại, fax, máy điện toán cá nhân, internet là chuyện bình thường vì nó đáp ứng nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư thì ở các công ty chứng khoán nước ta, các phương thức giao dịch này vẫn còn lâu mới được thực hiện. Một mặt, không phải vì các công ty chứng khoán Việt Nam không có đủ thừa nhận các bằng chứng pháp lý trên các băng ghi âm và trên các bản fax. Đặt máy ghi âm qua điện thoại để nhận lệnh của khách hàng, yêu cầu khách hàng ký lên trên bản fax các tờ phiếu lệnh là không có gì phức tạp nhưng “lỡ” giá có xu hướng đi xuống và nhà đầu tư “trót” đặt lệnh mua chối quanh chối quẩn thì các công ty chứng khoán biết tìm đâu cho ra chỗ dựa?. Thực ra, các phương thức này cũng đã được một số công ty chứng khoán triển khai (Công ty Chứng khoán Đệ Nhất, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) nhưng cũng chỉ thực hiện được hạn chế trong một số khách hàng quen biết vì không có điều kiện mở rộng.
Mặt khác, giả sử không có chuyện rắc rối về thủ tục pháp lý thì phương thức đặt mua này cũng khó có thể áp dụng trong các công ty chứng khoán nơi mà triết lý kinh doanh công bằng, vì lợi ích của khách hành, vì đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu. Thực vậy, trong bối cảnh nguồn cung chứng khoán quá khan hiếm, có lẽ do ảnh hưởng của tin đồn rằng giá chứng khoán sẽ lên gấp 10 lần và hàng nghìn người đã xếp hàng tại sân vận động để chờ mua cổ phiếu như thị trường chứng khoán Trung quốc, trong những ngày đầu thị trường mở cửa, rất nhiều nhà đầu tư đã đến công ty chứng khoán từ trước 5 giờ sáng mặc dù giờ làm việc chính thức của công ty chứng khoán là 7 giờ 30 phút để chờ đặt lệnh. Đến chờ trước 5 giờ sáng nhưng vẫn không mua được nhiều nhà đầu tư có “sáng kiến” đẩy giờ chờ đợi lên sớm hơn và tự nguyện làm giám viên cho các công ty chứng khoán để xác nhận ai là người thực sự đến trước. Kỷ lục được ghi nhận được qua các nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán về sự kiên trì chờ của các nhà là từ suốt 2 giờ sáng đến 7 giờ 30 phút trong những ngày có phiên giao dịch. Tình trạng này chỉ thực sự chấm dứt khi các công ty tổ chức bốc thăm để xác định lại và ưu tiên lệnh của các nhà đầu tư được nhập vào hệ thống giao dịch. Và đó cũng là nguồn gốc sản sinh phần mềm xổ số điện toán để xác định trật tự ưu tiên cho các nhà đầu tư hiện đang áp dụng tại một số công ty chứng khoán. Trong bối cảnh ấy, nếu nhận lệnh bằng điện thoại thì biết dựa vào lý do gì để giải thích cho nhà đầu tư khi vì sao một nhà đầu tư không có mặt tại công ty chứng khoán nhưng lại có quyền ưu tiên đặt lệnh được?.
Trong thực tế, do sản phẩm của thị trường quá ít, cái gọi là thị phần môi giới của công ty chứng khoán này so với công ty chứng khoán khác thực ra không phản ánh cái khác hơn là tốc độ gõ lệnh của các đại diện giao dịch tại sàn. Càng gõ lệnh vào sàn thì lệnh mới có khả năng được thực hiện vì trong mỗi phiên giao dịch, thị trường có khả năng đáp ứng được vài ba lệnh. Mặt khác, thị phần cao của các công ty chứng khoán trong một chừng mực nào đó cũng phản ánh chính sách ưu tiên của công ty chứng khoán cho những nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư có quy mô lệnh đặt vào hệ thống lớn nhất (9.900 cổ phiếu cho lô chẵn). Kết cục là thị trường mất dần đi tính khách quan, công bằng, tính đại chúng, hậu quả tất yết của tình trạng quá thừa các công ty chứng khoán trong khi quá thiếu quỹ đầu tư tập thể.
Để lại một bình luận