Chế độ báo cáo quý, báo cáo giữa kỳ của các đơn vị dự toán ngành giáo dục đã được thực hiện nghiêm túc thông qua việc lập báo cáo tài chính các quý trong năm gửi cơ quan tài chính và cơ quan giáo dục đào tạo. Nội dung báo cáo bao gồm: tình hình sử dụng nguồn kinh phí; tình hình thực hiện hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình quản lý, sử dụng tài sản cố định; thuyết minh báo cáo tài chính (tình hình biên chế, lao động, quỹ lương; các chỉ tiêu về tiền mặt, vật tư, các quỹ…).
Tuy nhiên, báo cáo tài chính giữa kỳ của các đơn vị dự toán ngành giáo dục chưa phản ánh được hoạt động của đơn vị, chưa thể hiện được các vấn đề chủ yếu của đơn vị, của ngành giáo dục; chưa đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn được giao đầu năm. Bên cạnh đó, cơ quan tài chính, cơ quan giáo dục đào tạo khi nhận báo cáo của các đơn vị cũng chưa thực hiện phân tích, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong mối tương quan với tình hình sử dụng kinh phí ngân sách cấp cho các đơn vị. Chính vì vậy, việc báo cáo định kỳ còn mang tính hình thức, chưa phục vụ cho việc nâng cao hiệu quả quản lý tài chính ngân sách đối với các đơn vị dự toán.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quy định về nội dung báo cáo tài chính hằng quý các đơn vị phải thực hiện theo quy định tại Quyết định 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp chỉ bao gồm các báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính kế toán với các chỉ tiêu được quy định cụ thể theo mẫu (bảng cân đối kế toán; tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng; báo cáo chi tiết kinh phí hoạt động, báo cáo thu – chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh;… và thuyết minh báo cáo tài chính). Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng công tác báo cáo giữa kỳ chưa được chú trọng là từ phía cán bộ quản lý tài chính ở cơ quan tài chính, cơ quan giáo dục đào tạo và đơn vị sử dụng ngân sách. Hiện nay, các trường THPT là đơn vị dự toán cấp tỉnh do Sở tài chính quản lý trực tiếp; các trường mầm non, tiểu học, THCS do phòng KHTC các địa phương quản lý. Số lượng đơn vị lớn, số lượng cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính ngành giáo dục ở cơ quan tài chính và cơ quan giáo dục đào tạo ít nên không đủ lực lượng để thực hiện công tác theo dõi, giám sát và phân tích các báo cáo của đơn vị một cách cụ thể và thường xuyên.
Để lại một bình luận