Các định nghĩa về hành vi tẩy chay của người tiêu dùng đã nêu ở trên phản ánh các góc nhìn khác nhau của các nhà nghiên cứu. Khi hành vi tẩy chay trở thành một khái niệm được đo lường, khái niệm này cũng có những biến thể khác nhau. Khi hành vi tẩy chay trở thành một khái niệm được hoạt hóa (được đo lường và đánh giá trong mạng lưới các mối quan hệ), các nhà nghiên cứu đã xem khái niệm này phản ánh hành vi đặc trưng mang tính cá nhân. Từ đó, họ đưa ra các phát biểu dưới nhiều tên gọi khác nhau ví dụ như sự sẵn lòng tẩy chay (willingness to boycott)/sự không sẵn lòng mua (unwillingness to buy), hay sự tham gia vào tẩy chay (boycotting participation).
Khái niệm nghiên cứu (construct)4 sự sẵn lòng tẩy chay có nguồn gốc từ năm 1998 khi nhóm tác giả Klein và cộng sự. (1998) lật đảo (reversed) và điều chỉnh nội dung đo lường khái niệm sự sẵn lòng mua (willingness to buy) từ nghiên cứu trước đó của Wood và Darling (1993). Sau đó, Klein định nghĩa lại khái niệm sự tẩy chay và đo lường trong nghiên cứu sau đó với tên gọi “sự tham gia vào tẩy chay”. Khái niệm nghiên cứu này được Klein và cộng sự. (2004) giữ nguyên nội dung các phát biểu trong công trình nghiên cứu công bố trước đó năm 1998. Hoffmann và Mưller (2009) sử dụng khái niệm “sự tham gia vào tẩy chay” với các nội dung được giữ từ nghiên cứu của nhóm Klein có điều chỉnh với một phát biểu được bổ sung từ nghiên cứu của Sen và cộng sự. (2001). Khái niệm này sau đó được Sami Albayati và cộng sự. (2012); Smith và Li (2010) sử dụng trong các nghiên cứu của họ. “Sự tham gia vào tẩy chay” có nội dung thể hiện qua các phát biểu như “Tôi đang tẩy chay sản phẩm X” hoặc “nếu nhiều người tham gia tẩy chay sản phẩm X, tôi cũng sẽ tham gia tẩy chay”. Khái niệm “sự tham gia tẩy chay” có nội dung chính trùng khớp với nội dung của khái niệm “sự sẵn lòng tẩy chay” hay “sự không sẵn lòng mua”.
Khái niệm “sự sẵn lòng mua” dạng nghịch đảo hay “sự sẵn lòng tẩy chay/sẵn lòng không mua” được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng hơn so với “sự tham gia tẩy chay” đã được điều chỉnh nêu trên vd., (Ettenson và Klein, 2005; Nakos và Hajidimitriou, 2007; Rose và cộng sự., 2009; Hoffmann và cộng sự., 2011; Abosag và Farah, 2014; Abdul-Talib và cộng sự., 2016). “Sự sẵn lòng tẩy chay” là khái niệm có nội dung mô tả hành động tẩy chay đã xảy ra trong quá khứ (vd., “Từ lâu Tôi đã không sử dụng hàng hóa xuất xứ từ quốc gia X). Nó cũng có nội dung thể hiện ý định hành vi ở hiện tại (vd., “bất cứ lúc nào có thể,
4 Một khái niệm (concept) trở thành một khái niệm nghiên cứu (construct) khi nó được đo lường và đo lường này phải có độ tin cậy và giá trị (Bhattacherjee, 2012); (Blumberg và cộng sự. 2014).
Tôi cũng lảng tránh việc mua hàng xuất xứ X) và cũng có nội dung nghiên về cảm xúc (vd.,
Tôi không thích ý tưởng sở hữu hàng hóa từ X) ( Klein và cộng sự. 1998).
Tóm lại, khái niệm “sự sẵn lòng mua” khi được đảo ngược nội dung thì chính là “sự không sẵn lòng mua” theo cách gọi của Rose và cộng sự. (2009) và là “sự sẵn lòng tẩy chay” trong nghiên cứu của Abosag và Farah (2014); Abdul-Talib và cộng sự. (2016). Abosag và Farah (2014) thống nhất cách gọi tên “sự không sẵn lòng mua” là “sự sẵn lòng tẩy chay” và nhóm tác giả này cho rằng nội dung đo lường của “sự sẵn lòng tẩy chay” phản ánh tốt nhất định nghĩa về hành vi tẩy chay.
Tác giả luận án nhận thấy “sự sẵn lòng tẩy chay” vẫn chưa phản ánh hết phạm vi của khái niệm hành vi tẩy chay như đã trình bày ở phần trên nếu xét theo tiêu chuẩn về giá trị trực diện (face validity) và giá trị nội dung (content validity) theo hướng dẫn của Hardesty và Bearden (2004). Cho đến thời điểm nghiên cứu này được thực hiện, chưa thấy các nghiên cứu mới khai thác rộng hơn khái niệm hành vi tẩy chay. Để nhất quán về mặt tên gọi của khái niệm, xuyên suốt nghiên cứu này sử dụng tên gọi “sự sẵn lòng tẩy chay”. Khái niệm này được sử dụng với vai trò của một thành phần đại diện cho khái niệm phụ thuộc hành vi tẩy chay.
Để lại một bình luận