Hành vi tẩy chay (boycotting behavior) là thuật ngữ được Kozinets và Handelman (1998) đề xuất, xuất phát từ thuật ngữ “sự tẩy chay của người tiêu dùng” (consumer boycotts) được đề xuất bởi Friedman (1985), và được đo lường dưới tên gọi sự sẵn lòng tẩy chay (willingness to boycott) (Abosag và Farah, 2014; Abdul-Talib và cộng sự., 2016). Để làm rõ ý nghĩa của khái niệm này, các định nghĩa về sự tẩy chay, hành vi tẩy chay và một số khái niệm liên quan khác cần được thảo luận.
Các định nghĩa về hành vi tẩy chay của người tiêu dùng
Thuật ngữ “tẩy chay” (Boycotts) bắt nguồn từ tên của Charles C. Boycott, một địa chủ người Anh sống ở Ireland năm 1880, bị tẩy chay và phản đối vì đã từ chối giảm phí thuê đất cho nông dân (Friedman, 1999; Tyran và Engelmann, 2005). Sự tẩy chay của người tiêu dùng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, và cũng từ đó nhiều khái niệm về sự tẩy chay đã được đề xuất khác nhau.
Sự tẩy chay của người tiêu dùng là “một nỗ lực để đạt những mục tiêu nhất định của một hay nhiều nhóm bằng cách thúc giục người tiêu dùng cá nhân tránh mua những hàng hóa nào đó trên thị trường” Friedman (1985, trang 97-98). Sự “từ chối các hoạt động tiếp thị đối với một hoặc nhiều đối tượng mục tiêu của một nhóm người với mục đích thể hiện sự bất mãn với các chính sách nhất định nào đó và nỗ lực ép buộc thay đổi chính sách đó”
Trong kiểm định mô hình đa biến (multivariate model), các nhà nghiên cứu hay sử dụng thuật ngữ biến tiềm ẩn ngoại sinh (exogenous latent variable) thay cho biến độc lập và biến tiểm ẩn nội sinh (endogenous latent variable) thay cho biến phụ thuộc.
(Garrett 1987, trang 47). Kozinets và Handelman (1998) cho rằng hành vi tẩy chay không chỉ là hành động mang tính tập thể (collective act) mà còn là hành động của từng cá nhân (individual act), là một sự phản kháng của người tiêu dùng dựa trên sự diễn đạt đúng đắn của bản thân họ và những sự phản kháng này được xem như là một dạng của hành vi tẩy chay. Sự tẩy chay là hành động “mang tính công cụ, là kế hoạch đã vạch sẵn nhằm ảnh hưởng đến hành vi của một doanh nghiệp (hay một thể chế/tổ chức khác) thông qua việc từ chối mua các sản phẩm thuộc công ty hoặc tổ chức đó” (John và Klein, 2003, trang 1197). Sự “tẩy chay của người tiêu dùng là một hành động mang tính tập thể của việc từ bỏ hoặc từ chối tiêu dùng phản ứng lại hành động sai trái xuất phát từ một công ty, những sai lầm thiếu sót từ một sản phẩm để đạt những mục tiêu nào đó” (Yuksel và Mryteza 2009, trang 249). Sự tẩy chay “đơn giản chỉ là một dạng hành vi chống tiêu dùng, đặc trưng bởi hành động mang tính tập thể đã được hoạch định bởi một cộng đồng người tiêu dùng để diễn tả một sự không hài lòng hoặc để đạt những mục tiêu đặc biệt nào đó” (Shebil và cộng sự., 2011, trang 386).
Tổng hợp nội dung của các khái niệm nêu trên, có thể kết luận rằng hành vi tẩy chay là hành động mang tính tập thể (theo Friedman, 1985; Garrett, 1987; Yuksel và Mryteza, 2009; Shebil và cộng sự., 2011) hoặc là hành động mang tính cá nhân của người tiêu dùng nào đó trong xã hội (theo Kozinets và Handelman, 1998), là hành động kêu gọi người khác không mua sản phẩm của đối tượng bị tẩy chay (theo Friedman (1985), là hành động từ chối, từ bỏ hoặc chống tiêu dùng hàng hóa bị tẩy chay (theo John & Klein (2003), Shebil & cộng sự (2011), Yuksel và Mryteza (2009), là sự từ chối các hoạt động tiếp thị của một tổ chức trong khi hoạt động tiếp thị chỉ là một mắc xích trong chuỗi những hoạt động tạo ra giá trị của một doanh nghiệp (theo Garrett (1987).
Đúc kết từ những những khái niệm về hành vi tẩy chay của người tiêu dùng như trên cho thấy chưa có một định nghĩa tổng quát về hành vi tẩy chay của người tiêu dùng, nghiên cứu này đề xuất khái niệm hành vi tẩy chay của người tiêu dùng như sau: “hành vi tẩy chay của người tiêu dùng là hành động có dự định mang tính cá nhân hoặc tập thể của một hoặc nhiều nhóm người nhằm từ bỏ hoặc kêu gọi người tiêu dùng từ bỏ; phản đối việc tiêu dùng sản phẩm của một hoặc nhiều tổ chức được cho là đã gây ra những hành động bất lợi, sai trái đối với họ.”. Từ đó, nhiệm vụ của nghiên cứu này là xây dựng mô hình đo lường khái niệm đã đề xuất và khám phá các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tẩy chay của người tiêu dùng Việt Nam.
Để lại một bình luận