Các hàng hóa, công cụ tài chính giao dịch trên TTTT thường có kỳ hạn giao dịch ngắn và do đó thường có đặc điểm là tính thanh khoản (khả năng chuyển đổi thành tiền mặt) và độ an toàn cao; hạn chế là mức sinh lời ít (Đặng Thị Nhàn, 2005). Cụ thể như:
(i) Các chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng (negotiable certificates of deposit – CDs):
Là một công cụ nợ do các ngân hàng phát hành để huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân, có nhiều kỳ hạn khác nhau.
Người chủ sở hữu chứng chỉ tiền gửi được quyền hưởng lãi trên số tiền đã mua (được định trước và thường là cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm có cùng thời hạn) vàcó quyền chuyển nhượng theo qui định của pháp luật. Ngoài ra, vì là một loại GTCG, chứng chỉ tiền gửi còn được dùng để thế chấp hoặc chiết khấu với ngân hàng phát hành. Ở nhiều nước, chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn lãi suất của các tín phiếu Kho bạc ngắn hạn trong khi có tính thanh khoản khá cao nên chúng rất hấp dẫn với các nhà đầu tư và được mua bán khá phổ biến trên TTTT. Có ba loại chứng chỉ tiền gửi là: chứng chỉ tiền gửi ghi danh, chứng chỉ tiền gửi vô danh và chứng chỉ tiền gửi ghi sổ.
(ii) Các chấp phiếu/kỳ phiếu ngân hàng (banker acceptances):
Là các hối phiếu kỳ hạn ngắn do các công ty ký phát và được ngân hàng đảm bảo thanh toán bằng cách đóng dấu “chấp nhận” lên tờ hối phiếu.
Trong quan hệ mua bán giữa các công ty, nhu cầu cần có người bão lãnh để đảm bảo cho đối tác về mặt thanh toán là một xu hướng tất yếu. Người bán cần một ngân hàng uy tín chấp nhận thay mặt doanh nghiệp đối tác trả nợ cho mình trong trường hợp đối tác mất khả năng thanh toán. Khi ngân hàng chấp nhận bảo lãnh cho khoản thanh toán, điều đó có nghĩa là cho phép người bán ký phát hối phiếu đòi tiền thẳng ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm đóng dấu chấp nhận trả tiền lên tờ hối phiếu đó. Như vậy trong trường hợp này người trả tiền hối phiếu bây giờ không phải là người mua hàng nữa mà là ngân hàng bảo lãnh. Để được ngân hàng chấp nhận bảo lãnh, người mua chịu phải ký quỹ, tức là gửi vào ngân hàng một phần hoặc toàn bộ số tiền của tờ hối phiếu và sẽ thu một khoản phí đảm bảo thanh toán.
(iii) Các trái phiếu Chính phủ gồm Tín phiếu Kho bạc (treasury bills hay T- bills); Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn từ 1 năm trở lên:
Là công cụ vay nợ ngắn hạn của Chính phủ do Bộ Tài chính (Kho bạc Nhà nước) phát hành để bù đắp những thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước; được xem là công cụ tài chính có độ rủi ro thấp nhất trên TTTT do nhà phát hành là Chính phủ được coi là hầu như không có khả năng vỡ nợ. Mặc dù mức lãi suất của tín phiếu Kho bạc thường thấp hơn các công cụ tài chính khác lưu thông trên TTTT nhưng lại được mua bán nhiều nhất nên được coi là có độ thanh khoản lớn nhất.
Tín phiếu Kho bạc thường được phát hành theo lô lớn bằng phương pháp đấu giá. Người mua chủ yếu là các ngân hàng, cũng có thể có các công ty hoặc các trung gian tài chính khác. Tín phiếu Kho bạc thường được NHTW các nước sử dụng như một công cụ để điều hành chính sách tiền tệ thông qua thị trường mở.
(iv) Các GTCG ngắn hạn do TCTD phát hành như các thương phiếu (commercial paper); lệnh phiếu (promisory note); hối phiếu (bill of exchange):
Thương phiếu là một hình thức ghi nhận mức nợ ngắn hạn do các ngân hàng lớn và công ty uy tin cao phát hành để vay vốn trong thị trường tài chính. Kỳ hạn của thương phiếu thường không dài quá một năm, trung bình là một đến hai tháng. Các thương phiếu có mức độ rủi ro cao hơn chứng chỉ tiền gửi nhưng lãi suất chiết khấu cũng cao hơn.
Thương phiếu được chuyển nhượng từ người thụ hưởng sang người khác bằng phương pháp ký hậu (endorse). Nó có thể chuyển hoá ra tiền khi mang đến ngân hàng xin chiết khấu hoặc cầm cố. Như vậy, thương phiếu là loại tài sản đảm bảo chắc chắn khi ngân hàng nhận chiết khấu hay nhận cho vay cầm cố. Hơn thế nữa, tài sản đảm bảo này lại có tính thanh khoản cao vì ngân hàng có thể mang đi tái chiết khấu hoặc tái cầm cố tại NHTW để khôi phục nguồn vốn của mình.
(v) Các trái phiếu đô thị/ trái phiếu chính quyền địa phương (municipal notes)/ Các trái phiếu liên bang (federal funds);
(vi) Các tín phiếu NHTW (Central bank bills hay Central bank papers):
Ở những nước có thị trường tài chính chưa phát triển, các công cụ tài chính nghèo nàn, NHTW có thể phát hành tín phiếu làm tăng công cụ cho chính sách tiền tệ. Tín phiếu NHTW là chứng khoán nợ ngắn hạn, phát hành theo hình thức chiết khấu, được các tổ chức tín dụng, công ty bảo hiểm và công ty tài chính mua là chủ yếu. Do mức độ rủi ro thấp, kỳ hạn ngắn, có khả năng cầm cố, thế chấp nên tín phiếu NHTW rất thanh khoản và được mua bán nhiều trên TTTT.
(vii) Các thỏa thuận/hợp đồng mua lại (repurchase agreements – REPO):
Là hợp đồng trong đó người sở hữu chứng khoán chính phủ bán đi một lượng chứng khoán (thường là tín phiếu Kho bạc) kèm theo điều khoản cam kết rằng sẽ mua lại số chứng khoán đó sau một khoảng thời gian nhất định với mức giá cao hơn ban đầu. Về thực chất đây chính là hình thức đi vay có tài sản thế chấp. Các hợp đồng mua lại thường rất ngắn hạn, từ qua đêm đến 30 ngày hoặc nhiều hơn chút ít.
Thời hạn ngắn và sự bảo đảm của chính phủ khiến cho hình thức cho vay này có độ rủi ro cực kỳ thấp.
Trên thế giới các hợp đồng Repo gần như thay thế các khoản cho vay của ngân hàng trung ương. Chính vì vậy, thị trường Repo có vị trí rất quan trọng trên TTTT.
TTTT được coi là một nơi an toàn để cất giữ tiền do tính thanh khoản cao của các chứng khoán với kỳ hạn ngắn; tuy nhiên rủi ro vỡ nợ chứng khoán (risk of default) cũng vẫn là vấn đề mà các nhà đầu tư cần quan tâm. Ở Việt Nam, những hàng hóa, công cụ thị trường tài chính được phép giao dịch còn có trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; công trái xây dựng tổ quốc; trái phiếu công trình trung ương
Hàng hóa, công cụ giao dịch trên TTTT có các chức năng quan trọng sau:
Một là, các mức lãi suất của các hàng hóa, công cụ trên TTTT được coi là các mức lãi suất tham chiếu cho việc định giá tất cả các công cụ nợ khác. Các loại hình tín dụng dài hạn và rủi ro thường được định giá theo các mức lãi suất giao dịch trên TTTT (LIBOR9 và SHIBOR10 là các mức lãi suất được nhiều ngân hàng tham chiếu để xác định các giao dịch trên thị trường, lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường tín dụng… trên cơ sở cộng hoặc trừ một biên độ phản ánh mức độ rủi ro đối với từng đối tượng giao dịch).
Hai là, các công cụ, hàng hóa trên TTTT do Chính phủ hay NHTW phát hành thường được sử dụng là các công cụ CSTT. Các công cụ này thường được sử dụng để điều tiết khả năng thanh toán của nền kinh tế nội địa thông qua việc mua hay bán các công cụ nợ của Chính phủ.
Ba là, các công cụ, hàng hóa trên cung cấp cách thức tài trợ tín dụng trong ngắn hạn cho Chính phủ, các ngân hàng hay các công ty, doanh nghiệp.
Để lại một bình luận