Thứ nhất, di chuyển lao động có kỹ năng dù đã được coi là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cũng đã được đưa vào trong các chương trình quốc gia liên quan song vẫn chưa thực sự được chú trọng và thực hiện, thúc đẩy trên thực tế, đặc biệt là các ngành nghề có hàm lượng kỹ năng cao. Việc kết nối cung – cầu lao động ở cấp khu vực, thúc đẩy hợp tác song phương về lao động kỹ năng còn hạn chế. Mô hình tăng trưởng vẫn chưa tạo cơ sở nền tảng cho sự phát triển của lực lượng lao động, nhất là trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0.
Thứ hai, dù trình độ học vấn của người Việt Nam không quá thấp so với các nước khác trong khu vực song khoảng cách kỹ năng so với yêu cầu thực tế của từng nước vẫn là vấn đề cần phải chú trọng. Xét về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động kỹ năng Việt Nam, dù một bộ phận lao động có thể đạt được yêu cầu di chuyển, phần lớn lao động kỹ năng Việt Nam đang thiếu và yếu về các kỹ năng (nghề và kỹ năng mềm) cần thiết khác. Nếu không sớm khắc phục được những hạn chế, giảm dần những “khoảng cách” về năng lực so với yêu cầu, lao động Việt Nam sẽ khó cạnh tranh để tham gia di chuyển lao động trong AEC để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn.
Thứ ba, giữa mục tiêu di chuyển tự do của lao động kỹ năng và thực hiện di chuyển được là một khoảng cách không nhỏ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau. Để chuẩn bị cho lao động kỹ năng của Việt Nam tham gia có hiệu quả vào di chuyển lao động kỹ năng trong AEC, hệ thống giáo dục và đào tạo cho người lao động và nâng cao năng lực thực hiện đang là rào cản chính trong đáp ứng các yêu cầu, các tiêu chuẩn di chuyển lao động kỹ năng ASEAN. Cụ thể, trình độ tay nghề, tính năng động sáng tạo và kỹ năng bậc cao là một khó khăn lớn cho lao động Việt Nam hướng tới chất lượng, chuyên nghiệp; đội ngũ quản lý cấp cao và bậc trung còn thiếu và yếu; hạn chế về ngôn ngữ…. Với việc tiếng Anh được coi như là ngôn ngữ chính của các tập đoàn lớn toàn cầu và là ngôn ngữ phổ biến, trình độ tiếng Anh được xem như là một yếu tố chính trong việc quyết định của dòng di chuyển lao động kỹ năng ra, trong bối cảnh Việt Nam không có ngôn ngữ chung với nước thành viên nào trong ASEAN.
Thứ tư, lựa chọn định hướng và khung khổ phát triển cho việc triển khai di chuyển lao động kỹ năng ở 8 nghề trong AEC chưa hoàn thiện cả ở cấp khu vực và cấp quốc gia. Việt Nam là một trong các quốc gia cam kết mạnh mẽ với sáng kiến di chuyển lao động nhưng năng lực quản lý di chuyển nhiều hạn chế, nhất là về triển khai thực hiện các cam kết, theo dõi và điều chỉnh các quá trình, thủ tục cũng như đánh giá, giám sát thực hiện các mục tiêu đề ra. Những khó khăn chung về khía cạnh kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến triển khai tự do di chuyển lao động ở ngành nghề trong AEC của Việt Nam và các nước, bao gồm cả sự khác biệt trong hệ thống giáo dục- đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ của các nước thành viên hay các quan điểm và sự đánh giá, công nhận về kinh nghiệm.
Từ những nghiên cứu và phân tích trên, có thể đánh giá rằng, vốn nhân lực chất lượng không cao và năng suất lao động thấp là rào cản lớn nhất để lao động có kỹ năng Việt Nam tham gia di chuyển hiệu quả trên thị trường lao động ASEAN. Những điều này đã khiến sức cạnh tranh của lao động Việt Nam giảm xuống, tạo rào cản tiếp cận với việc làm có chất lượng và hàm lượng chất xám cao hay những việc làm tốt trong khu vực. Những vấn đề nêu trên dẫn đến hậu quả là thu nhập, vị thế và sự hài lòng của người lao động tham gia di chuyển trong ASEAN hạn chế; và do vậy lợi ích thu được từ di chuyển lao động ASEAN của Việt Nam về tăng trưởng, về tri thức và nâng cao trình độ công nghệ cũng như chất lượng nguồn nhân lực còn khoảng cách khá xa so với kỳ vọng.
Để lại một bình luận