Các khoản tiền thưởng được pháp luật khuyến khích không có tính bắt buộc, đó là thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Các hình thức tiền thưởng phổ biến trong doanh nghiệp có tính chất tiền lương có thể kể đến, như:
– Thưởng thường niên (ngày Lễ, Tết, thưởng lương tháng 13 …).
– Thưởng đạt, vượt doanh số bán hàng.
– Thưởng hoàn thành vượt năng suất lao động.
– Thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật …
Như vậy có thể hiểu rằng, tiền thưởng là khoản tiền mà doanh nghiệp thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Tiền thưởng có được đưa vào chi phí hợp lý?
Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (Mục 2.6) quy định chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng không đủ chứng từ để ghi nhận chi phí hợp lý:
“a) Chi tiền lương, tiền công và các khoản phải trả khác cho người lao động doanh nghiệp đã hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng thực tế không chi trả hoặc không có chứng từ thanh toán theo quy định của pháp luật.
b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty”.
Như vậy, tiền thưởng được đưa vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi có chứng từ chi tiền, có quy định thưởng trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế tài chính, quy chế thưởng của doanh nghiệp.
Tiền thưởng có phải chịu thuế TNCN?
Tiền thưởng là khoản tiền có tính chất tiền công, tiền lương nên nó phải chịu thuế TNCN, trừ tiền thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Điều này được quy định rõ tại Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC về các khoản thu nhập chịu thuế:
“e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:
e.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng …”
Lưu ý:
– Tiền thưởng lao động trong doanh nghiệp tính thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần; lao động ngoài doanh nghiệp, lao động học việc (không ký hợp đồng lao động) khấu trừ 10% thuế TNCN.
– Thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật do cơ quan Nhà nước công nhận được quy định tại Nghị định số 13/2012/NĐ-CP và Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN.
– Thời điểm kê khai và tính thuế TNCN là thời điểm trả thu nhập. Do vậy, khoản tiền thưởng (như lương tháng 13) có thể phải kê khai và nộp thuế năm sau nếu chi trả trong năm sau.
Hướng dẫn hạch toán các khoản tiền thưởng:
Như đã đề cập ở trên, các khoản thưởng ngày nghỉ Lễ, Tết … có bản chất là tiền lương, tiền công nên được hạch toán vào tài khoản 334- Phải trả người lao động.
Do đó, tiền thưởng thuộc bộ phận nào sẽ được hạch toán chi phí tương ứng với tài khoản của bộ phận đó.
– Ghi nhận tiền thưởng vào chi phí:
Nợ TK 641, 642, 622, 154 (Thông tư 133) …
Có TK 334, 338
Đồng thời tính toán thuế TNCN phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 334/ Có TK 3335
– Khi thanh toán tiền thưởng cho người lao động, ghi:
Nợ TK 334, 338
Có TK 111, 112
– Khi nộp thuế TNCN, kế toán ghi:
Nợ TK 3335
Có TK 111,112
Để lại một bình luận