Công tác kế toán vốn phức tạp, nhất là chính sách thuế có quá nhiều thay đổi như hiện nay (thậm chí có một số quan điểm thuế còn trái ngược với kế toán) dễ dẫn đến sai sót kế toán, bị cơ quan thuế phạt, truy thu thuế là điều khó tránh khỏi, nhất là các doanh nghiệp nhỏ do công tác kế toán thường được bố trí khá “mỏng”.
Thực tế, sai sót kế toán (dù khách quan hay chủ quan, chủ ý hay sơ suất của kế toán) làm thay đổi doanh thu, chi phí tính thuế dẫn đến tăng số thuế phải nộp đều bị cơ quan thuế coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế và bị truy thu thuế, bị phạt vi phạm hành chính về thuế …
Vậy sau thanh tra, quyết toán thuế mà doanh nghiệp bị truy thu và bị phạt vi phạm hành chính về thuế thì khoản bị phạt đó có được đưa vào chi phí? kế toán hạch toán các khoản bị phạt, truy thu thuế như thế nào? có cần làm lại sổ sách kế toán? Đó là câu hỏi được khá nhiều bạn kế toán quan tâm.
Không được đưa khoản phạt vi phạm hành chính về thuế, kế toán vào chi phí
Theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC (hiệu lực từ ngày 06/08/2015) sửa đổi, bổ sung Điều 6, Thông tư số 78/2014/TT-BTC, thì chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
“2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật”.
Mặt khác, vi phạm hành chính theo theo Luật số 15/2012/QH13 được hiểu là hành vi có lỗi do tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về quản lý Nhà nước mà không phải là tội phạm theo quy định của pháp luật phải xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, theo quy định trên, thì khoản vi phạm kế toán, thuế là khoản phạt vi phạm hành chính sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hạch toán các khoản phạt, truy thu thuế sau thanh tra, quyết toán thuế như thế nào?
Do khoản phạt vi phạm hành chính về thuế không được đưa vào chi phí nên việc hạch toán các khoản bị truy thu, phạt sau thanh tra, quyết toán thuế có hai luồng ý kiến khác nhau: Điều chỉnh số dư đầu kỳ tài khoản 4211 và các tài khoản liên quan của năm hiện hành hoặc đưa vào tài khoản 811 năm hiện hành cuối năm loại trừ khỏi chi phí hợp lý khi lập Báo cáo thuế quyết toán.
1. Điều chỉnh các khoản phạt, truy thu thuế vào TK 4211:
Căn cứ vào quyết định thanh tra thuế, tại thời điểm doanh nghiệp nhận kết quả thanh tra thuế và quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
– Phần thuế bị truy thu:
Việc bị truy thu thuế sau thanh tra, quyết toán thuế do sai sót trọng yếu của kế toán cần phải điều chỉnh hồi tố theo hướng dẫn Chuẩn mực số 29.
Kế toán điều chỉnh số dư đầu kỳ tài sản, nợ phải trả và các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu của kỳ lấy số liệu so sánh, nếu sai sót thuộc kỳ trước kỳ hiện tại và giải trình trên thuyết minh báo cáo tài chính năm hiện tại, cụ thể:
Tăng số dư nợ đầu năm của TK 4211 (Lợi nhuận chưa phân phối năm trước): Số bị truy thu thuế.
Tăng số dư có đầu năm của TK 333 (3331, 3334, 3335): Số bị truy thu thuế.
Điều chỉnh tăng (giảm) các số dư đầu năm các tài khoản tài sản liên quan (TK 214, 242, …): Chi phí bị loại trừ.
– Phần bị phạt vi phạm hành chính về thuế:
Nợ TK 811 (số tiền bị phạt vi phạn hành chính về thuế, loại khỏi chi phí tính thuế khi lập Báo cáo quyết toán thuế TNDN cuối năm).
Có TK 333 (3339).
– Khi nộp các khoản bị truy thu, phạt, ghi:
Nợ TK 333 (3331, 3334, 3335, 3339).
Có TK 111, 112.
2. Điều chỉnh các khoản phạt, truy thu thuế vào TK 811:
Nợ TK 811 (các khoản bị phạt, truy thu thuế).
Có TK 333 (3331, 3334, 3335, 3339), 214, …
– Khi nộp các khoản bị truy thu, phạt, ghi:
Nợ TK 333 (3331, 3334, 3335, 3339).
Có TK 111, 112.
Cuối năm khi lập quyết tóan thuế TNDN, kế toán đưa khoản truy thu, phạt thuế này vào chỉ tiêu B4: Các khỏan chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế tại Tờ khai quyết tóan thuế TNDN Mẫu 03/TNDN, đồng thời giải trình trên thuyết minh báo cáo tài chính.
Nên hạch toán theo cách nào?
Việc điều chỉnh vào TK 811 hay 4211 đều làm giảm lợi nhuận kế toán của doanh nghiệp. Nếu hạch toán vào TK 4211 sẽ giảm lợi nhuận của năm trước; hạch toán vào TK 811 là giảm lợi nhuận của năm nay. Câu hỏi đặt ra là hạch toán theo cách nào sẽ hợp lý nhất?
Để trả lời câu hỏi này, có lẻ chúng ta cần xem xét sai sót dẫn đến khoản truy thu thuế sau thanh thanh tra, quyết toán thuế là sai sót trọng yếu hay không: nếu sai sót đó là trọng yếu thì áp dụng hạch toán hồi tố (theo Chuẩn mực số 29), tức hạch toán theo cách thứ 1; nếu sai sót đó không trọng yếu thì áp dụng hạch toán phi hồi tố, tức hạch toán theo cách 2.
Về sai sót trọng yếu, Chuẩn mực số 29 có đoạn quy định như sau:
“23. Doanh nghiệp phải điều chỉnh hồi tố những sai sót trọng yếu liên quan đến các kỳ trước vào báo cáo tài chính phát hành ngay sau thời điểm phát hiện ra sai sót bằng cách:
(a) Điều chỉnh lại số liệu so sánh nếu sai sót thuộc kỳ lấy số liệu so sánh; hoặc
(b) Điều chỉnh số dư đầu kỳ của tài sản, nợ phải trả và các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu của kỳ lấy số liệu so sánh, nếu sai sót thuộc kỳ trước kỳ lấy số liệu so sánh
….
25. Khi không thể xác định được ảnh hưởng của sai sót đến từng kỳ, doanh nghiệp phải điều chỉnh số dư đầu kỳ của tài sản, nợ phải trả và các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu của kỳ sớm nhất (có thể chính là kỳ hiện tại) mà doanh nghiệp xác định được ảnh hưởng của sai sót .”.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi thì những khoản truy thu thuế sau thanh tra quyết toán thuế thường là những sai sót trọng yếu của kế toán (nhất là những báo cáo lỗ, sau thanh tra thành lãi). Do đó, sau thanh tra thuế không phải làm lại sổ sách kế toán, cần xem xét sai sót đó là trọng yếu hay không trọng yếu, theo chúng tôi:
– Đối với khoản liên quan đến truy thu thuế: Hạch toán điều chỉnh hồi tố theo Chuẩn mực số 29, tức hạch toán vào TK 4211 (như trình bày hạch tóan theo cách 1 ở trên).
– Đối với khoản phạt vi phạm hành chính về thuế: Hạch toán theo cách 2, tức ghi nợ TK 811 và cuối năm khi lập Báo cáo quyết toán thuế TNDN, khoản phạt này loại ra khỏi chi phí hợp lý.
Để lại một bình luận