Thứ năm, việc lựa chọn CTV gắn liền với việc cơ cấu lại các danh mục đầu tư, TSCĐ của doanh nghiệp
Tại Việt Nam hiện nay, các TCTD sử dụng các hình thức bảo đảm nợ vạy là biện pháp nhằm phòng ngừa rủi ro, tạo cơ sở kinh tế và pháp lý để thu hồi được các khoản tín dụng đã cấp cho khách hàng. Do đó, TSCĐ của doanh nghiệp là một trong những tài sản được dùng để thế chấp các khoản nợ. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng doanh nghiệp có TSCĐ lớn thì dễ dàng trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng cũng như phát hành nợ có đảm bảo hoặc vay nợ có tài sản thế chấp với chi phí tài chính thấp, lãi suất ưu đãi hơn. Mặt khác, hàm ý lý thuyết chu kỳ kinh tế khi nền kinh tế phục hồi, doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng chiến lược đầu tư, trong đó có đầu tư mở rộng quy mô hoạt động và TSCĐ. Do đó, theo tác giả trong dài hạn hoặc trong thời kỳ phục hồi các doanh nghiệp Việt Nam nên ưu tiêu sử dụng chiến lược đầu tư – đẩy mạnh hoạt động đầu tư, nhất là ưu tiên đầu tư TSCĐ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã chứng minh năng lực quản trị tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ suy thoái khá hạn chế – tăng TSCĐ để dễ dàng huy động nguồn vốn từ phát hành nợ, bù đắp cho các khoản thiếu hụt về tài chính của mình. Điều này trái với quan điểm của Lý thuyết chu kỳ kinh tế. Do đó, theo tác giả, các doanh nghiệp Việt Nam cần quản lý danh mục TSCĐ của mình tốt hơn – bằng cách lập kế hoạch đầu tư, mua sắm TSCĐ hàng năm và có chính sách quản lý tài khoản khấu hao phù hợp. Định kỳ doanh nghiệp cần kiểm tra, đánh giá tình hình sử dụng tài sản, kịp thời thanh lý các tài sản không cần thiết nhằm tăng NVDH cũng như đảm bảo nhu cầu thanh toán tạm thời của mình.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý việc đầu tư TSCĐ phải dựa trên kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình, tình hình tài chính, điều kiện môi trường kinh doanh và điều kiện vĩ mô tránh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp có CTV trên ngưỡng CTV mục tiêu và đang có tình hình tài chính khó khăn, mất cân đối tài chính (được trình bày tại Bảng 4.1) thì việc cơ cấu lại danh mục đầu tư là cần thiết, ưu tiên hàng đầu trước khi thực hiện cơ cấu nguồn vốn.
Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, việc tăng đầu tư vào TSCĐ phải gắn liền với việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn theo hướng hạn chế sử dụng NNH mà tăng cường nguồn vốn tài trợ dài hạn để đảm bảo tính cân bằng giữa cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tài sản, tránh tình trạng như hiện nay việc sử dụng NNH để tài trợ cho hoạt động đầu tư TSCĐ. Điều này có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối tài chính và rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Do đó, các biện pháp đặt ra khi gia tăng đầu tư TSCĐ phải gắn liền với điều chỉnh cơ cấu vốn theo hướng gia tăng NVDH.
Thứ sáu, việc lựa chọn CTV của doanh nghiệp phải đảm bảo phù hợp với sự biến động của môi trường kinh doanh, gắn với chu kỳ kinh tế Việt Nam và thế giới.
Môi trường kinh doanh là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. Khi môi trường kinh doanh biến động, doanh nghiệp cần điều chỉnh hoạt động của mình để tránh những tác động nghịch chiều đến khả năng tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Thật vậy, kết quả nghiên cứu đã chứng minh, trong toàn bộ thời kỳ (quý 1/2007-quý 2/2016) các yếu tố kinh tế vĩ mô đóng góp 16,4% vào việc lựa chọn CTV của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ suy thoái mức đóng góp này lên đến 35% và trong thời kỳ phục hồi con số này giảm còn 4%. Mặt khác, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong từng pha của chu kỳ kinh tế thế giới, các biến kinh tế vi mô có chiều hướng có tác động thuận chiều hoặc nghịch chiều đến việc lựa chọn CTV của các doanh nghiệp Việt Nam – trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới các biến như quy mô, tốc độ tăng trưởng, khả năng thanh khoản tác động nghịch chiều đến việc lựa chọn CTV, nhưng trong thời kỳ phục hồi, các biến này lại có tác động thuận chiều. Do đó, trong từng thời kỳ thì để đạt được CTV mục tiêu thì việc lựa chọn CTV của doanh nghiệp cũng phải gắn với môi trường kinh doanh, chu kỳ kinh tế trong nước và thế giới. Vì vậy, việc lựa chọn CTV các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý hai vấn đề sau:
Một là, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập ngày càng sau rộng vào kinh tế khu vực và thế giới việc nâng cao khả năng cạnh tranh để tồn tại đang tạo áp lực lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chu kỳ kinh tế thế giới tác động mạnh đến chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam. Trước thực tế đó, việc lựa chọn nguồn vốn các doanh nghiệp Việt Nam phải gắn liền với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, khắc phục khó khăn trong hoạt động kinh doanh, từng bước lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính. Một trong những nhân tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề vốn, quy mô doanh nghiệp, cơ hội tăng trưởng, kỹ thuật công nghệ hiện đại, năng lực sản xuất và cải tiến chất lượng sản phẩm. Trong đó, cần nhất nâng cao năng lực về vốn và khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại.
Hai là, kinh tế thế giới phục hồi nhưng tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, gây ra những khó khăn trong hoạt động kinh doanh cũng như tiến trình cơ cấu nguồn vốn của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, để đảm bảo năng lực tài chính vững mạnh qua đó tạo sự ổn định trong hoạt động của mình, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chính sách cơ cấu nguồn vốn phù hợp và có chiến lược dài hạn nhằm tăng cường năng lực tự chủ tài chính, khả năng thanh khoản của mình, ưu tiên đầu tiên là từ tích lũy lợi nhuận giữ lại cũng như tận dụng mọi cơ hội tăng vốn cổ phần từ bên ngoài. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn, đặc biệt từ TTCK. Do đó, cần thiết có sự hỗ trợ về phía Chính phủ và kế hoạch huy động vốn trong dài hạn.
Để lại một bình luận