Thứ hai, việc lựa chọn CTV theo hướng gia tăng nợ dài hạn, đảm bảo sự an toàn và ổn định về nguồn tài trợ.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nợ phải trả của các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tăng, trong đó chủ yếu là tăng sử dụng nợ vay ngắn hạn và loại nợ này chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nợ. Điều đó phản ánh mức độ rủi ro cao trong quyết định tài trợ của các doanh nghiệp Việt Nam. Sử dụng nợ vay quá mức trong đầu tư tài chính, kinh doanh BĐS là nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối tài chính, mất khả năng thanh khoản, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản trong thời gian vừa qua. Mục tiêu cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp là chủ động kiểm soát nợ, giảm tỷ số nợ, đa dạng hóa nguồn tài trợ đồng thời tăng tỷ trọng NDH để đảm bảo an toàn tài chính. Trong đó, doanh nghiệp nên ưu tiên tập trung vào việc phát hành NDH qua TTTP, vì đây là thị trường có tiềm năng cung cấp NVDH lớn.
Thứ ba, việc lựa chọn CTV gắn với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm chứng minh, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp có tác động thuận chiều hoặc nghịch chiều với việc lựa chọn CTV của doanh nghiệp. Vì vậy, theo tác giả, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem CTV là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển ngắn hạn và cả dài hạn của mình. CTV của doanh nghiệp xuất phát từ các yếu tố nội tại buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh CTV mục tiêu để phù hợp với quy mô tăng trưởng, các giai đoạn trong quá trình phát triển của chu kỳ kinh doanh và tình hình tài chính của mình. Theo Aswath Damadaran (1997), quá trình hình thành và phát triển của mỗi doanh nghiệp thường được chia thành 4 giai đoạn: khởi nghiệp, phát triển, bão hòa và suy thoái. Trong mỗi giai đoạn cụ thể, CTV thường có những đặc điểm riêng biệt. Các doanh nghiệp cần nhận định được đặc trưng nguồn vốn trong từng giai đoạn để việc lựa chọn CTV hợp lý và xác định CTV mục tiêu phù hợp nhằm mang lại hiệu quả hoạt động cao nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.
Thứ tư, việc lựa chọn CTV theo hướng gia tăng VCSH và năng lực tự tài trợ của doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu của luận án cho thấy, việc lựa chọn CTV của các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào khả năng sinh lời và TTCK. Khả năng sinh lời của doanh nghiệp và TTCK có tác động nghịch chiều đến việc lựa chọn CTV của doanh nghiệp, hàm ý rằng các doanh nghiệp có lợi nhuận cao sẽ chủ động hơn trong vấn đề tài chính (cải thiện tính thanh khoản, phụ thuộc ít vào nợ vay và nguồn vốn huy động từ bên ngoài). Tương tự, các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, dễ dàng phát hành cổ phiếu để huy động nguồn vốn, do đó có xu hướng giảm sử dụng nợ vay. Mặt khác, đối với các doanh nghiệp đang bị mất cân đối tài chính (Bảng 4.1) thì việc hạn chế sử dụng nợ, gia tăng VCSH là cần thiết. Chính vì vậy, để đạt được CTV mục tiêu thì việc lựa chọn CTV của các doanh nghiệp Việt Nam phải theo hướng tăng sử dụng VCSH phù hợp với mục tiêu phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng giá trị doanh nghiệp.
Để tăng VCSH, trước hết các doanh nghiệp cần tận dụng triệt để nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại. Đây là nguồn lực tài chính giúp doanh nghiệp chủ động đáp ứng nhu cầu vốn, nắm bắt kịp thời các cơ hội đầu tư, giữ được quyền kiểm soát và áp lực trả nợ. Tuy nhiên, để có thể khai thác được nguồn vốn này, các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện các biện pháp tăng trưởng doanh thu, tiết kiệm chi phí hoạt động cũng như nghĩa vụ thuế nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và có chính sách phân phối lợi nhuận hợp lý nhằm đẩy mạnh tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư.
Bên cạnh, việc huy động tối đa nguồn vốn bên trong từ lợi nhuận giữ lại, các doanh nghiệp cần tìm phương án hiệu quả nhất để huy động VCSH từ bên ngoài như phát hành cổ phiếu, vốn góp liên doanh, liên kết. Việc huy động vốn từ phát hành cổ phiếu rộng rãi trên TTCK trong điều kiện hiện nay còn một số khó khăn do TTCK Việt Nam còn nhiều biến động và chưa thực sự hồi phục sau thời kỳ suy thoái. Vì vậy, trong điều kiện Việt Nam vẫn đang là thị trường đầu tư khá hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, theo tác giả, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem xét khai thác nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng thông qua hình thức phát hành riêng lẻ nhằm thu hút vốn đầu tư của nước ngoài. Hình thức này giúp doanh nghiệp có khả năng huy động khối lượng vốn lớn đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại và kỹ thuật quản lý từ các nhà sản xuất có kinh nghiệm của nước ngoài. Điều này được kỳ vọng có tác động thuận chiều đến việc tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, mỗi hình thức huy động đều có những điểm bất lợi riêng, đối với hình thức này có thể làm cho doanh nghiệp bị mất quyền kiểm soát, thay đổi trong chính sách điều hành cũng như quản lý, do đó, doanh nghiệp phải xem xét các yếu tố liên quan để ra quyết định cho phù hợp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ chủ động và dự báo trước các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình.
Để lại một bình luận