Khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên và tạo môi trường sinh thái trong sạch, là điều kiện cần và đủ để phát triển các lĩnh vực dịch vụ trong vùng biển, đảo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đặc biệt là dịch vụ khai thác cảng biển, dịch vụ du lịch và dịch vụ hậu cần thủy sản. Do đó nhiệm vụ quan trọng, cần thiết hiện nay là cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái trên các vùng biển, vùng ven biển và các đảo.
Ngày nay khi tốc độ gia tăng dân số thế giới ngày càng nhanh, nhu cầu thực phẩm ngày càng cao trong khi các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt, các quốc gia đang có xu hướng tiến ra biển, khai thác các nguồn tài nguyên biển, làm giàu từ biển, nhưng các hoạt động khai thác chủ yếu chỉ tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế, trong khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, thiếu những qui hoạch, kế hoạch chi tiết, cụ thể; cùng với cơ chế quản lý lỏng lẻo của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, sự gia tăng mực nước biển và nhiệt độ của trái đất; vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia ngày càng đứng trước nhiều thách thức. Theo nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, FAO và các tổ chức quốc tế, hiện khoảng hơn 80% lượng cá toàn cầu đã bị khai thác, trong đó có đến 25% lượng cá toàn cầu bị khai thác quá mức hoặc bị khai thác cạn kiệt, nhiều loài sinh vật biển khác đang đứng trước nguy cơ tận diệt.
Nguồn tài nguyên khoáng sản biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững, nạn phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn cũng ngày một tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Theo ước tính, cỏ biển đã mất 30 – 60% và rừng ngập mặn – chiếm 1/3 diện tích rừng thế giới – mất đến 70%. Trong vòng 20 năm qua, các nước Đông Nam Á đã mất đi 12% số rạn san hô, 48% số rạn san hô khác đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng đây là môi trường sống của khoảng 1/4 các loài cá, đồng thời còn là nơi cư trú của các loài sinh vật biển khác đã khiến lượng cá bị suy giảm nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến sự tuyệt chủng của một số sinh vật biển do chúng không còn nơi để cư trú và sinh sản, nhiều cửa sông ven biển bị ô nhiễm do nước thải từ các KCN, khu đô thị thải ra cùng với nạn phá hủy rừng ngập mặn ngày càng tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và phát sinh nhiều vấn đề kinh tế – xã hội do sự thiếu hụt thực phẩm cung cấp cho những cư dân sống vùng ven biển, đảo. Do đó để bảo tồn, giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển, đảo, trong những năm qua cùng với những chủ trương, đường lối và hệ thống pháp luật của Đảng, Nhà nước, Bà Rịa – Vũng Tàu cần thực hiện các biện pháp để quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường biển, đảo đó là:
– Cùng với các lực lượng chức năng của trung ương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần thành lập các lực lượng bảo vệ biển, đảo như lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển, ủy ban phụ trách nguồn lợi thủy sản, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng Trung tâm Khoa học – Công nghệ biển để nghiên cứu, quản lý, bảo tồn, quy hoạch và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển, đảo; đồng thời bảo vệ tốt môi trường sinh thái ven biển, trên biển và các đảo. Các cơ quan này sẽ thực thi một số nhiệm vụ cụ thể như: Hoàn thiện khung thể chế quản lý biển; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm biển; xem xét các đặc điểm của các hệ sinh thái để xây dựng các phương án, kế hoạch quản lý phù hợp đây là nguyên tắc cơ bản của chính sách biển mà nhiều quốc gia đã thực hiện.
– Là tỉnh có nhiều khu sinh quyển cấp quốc gia và quốc tế; trước hết phải kể đến là Khu bảo tồn sinh vật biển ở Côn Đảo có hệ động vật biển với khoảng 400 loài phù du động vật, thực vật, 219 loài san hô, 187 loài thân mềm, 160 loài cá rạn san hô và 14 loài bò sát và thú biển; đặc biệt nơi đây có khoảng 1.000 ha san hô với hơn 300 loài đã được ghi nhận như các giống san hô chiếm ưu thế là Acropora, Porites, Pavona, có khoảng 200 ha diện tích Cỏ biển, chiếm ưu thế là các loài Thalassia hemprichii, Halophila ovalis là nơi sinh sống của loài Bò biển (Dugong), một loài thú đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu; Côn Đảo là vùng có nhiều Rùa biển nhất ở Việt Nam như Vích Chelonia mydas, Đồi mồi Eretmochelys imbricate, có 17 bãi cát được ghi nhận là bãi đẻ của Rùa hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Ngoài ra, một số loài động vật biển có vú như Cá heo. Tuy nhiên hiện tại những thách thức về ô nhiễm môi trường, nguy cơ suy giảm hệ sinh thái, do sự khai thác quá mức của con người và biến đổi khí hậu đang hiện hữu. Do đó Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo xây dựng và thực hiện tốt Quy chế bảo tồn tài nguyên biển, thực hiện cam kết bảo vệ rừng, đồng thời triển khai các chương trình quản lý, bảo tồn sinh vật biển, đảo; trong đó lực lượng kiểm lâm là lực lượng nòng cốt, thực thi nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát 24/24h, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm tài nguyên trái phép trong khu bảo tồn; nhằm phục vụ cho du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, thăm quan học tập của học sinh, sinh viên, góp phần phát triển kinh tế xã hội của huyện Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
– Bà Rịa – Vũng Tàu còn có khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của Việt Nam. Nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với nhiều dạng địa hình, đồi, núi, suối, hồ, biển và rừng. Khu bảo tồn thiên nhiên này phần lớn là rừng cây họ Dầu ven biển, có diện tích 11.293 ha, thảm thực vật nguyên sinh vô cùng phong phú, gồm: 113 họ, 408 chi, 661 loài, có nhiều loài quý hiếm như: Cẩm lai, Gõ đỏ, Gõ mật, Kơ nia, Giáng hương, Sơn đào… Động vật cũng rất đa dạng, có 70 họ, 29 bộ, 178 loài, trong đó 106 loài chim, 43 loài bò sát, 12 loài lưỡng cư, 51 loài thú… nhiều loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như: Gà lôi vằn, Bồ câu nâu, Cú lợn rừng, Yến núi. Khu bảo tồn Bình Châu – Phước Bửu được ví như “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam bộ, hội tụ các lợi thế đa dạng sinh thái hiếm nơi nào có được. Vì thế, nơi đây là địa chỉ thích hợp cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, tham quan du lịch. Trong khu bảo tồn còn có khoảng 43km sông – hồ – suối có nước quanh năm, diện tích mặt nước thay đổi theo mùa. Nơi đây đã được Tổ chức du lịch thế giới chính thức công nhận là 1 trong 65 khu du lịch sinh thái bền vững của 47 quốc gia trên thế giới.
– Do nằm ven theo bờ biển nên Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu đang phát triển nhiều khu du lịch ven biển, hiện nay đã thu hút hơn 40 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư và phát triển với nhiều loại hình du lịch. Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu có nhiều khu vực cần được bảo tồn như: Khu Suối nước nóng Bình Châu, khu rừng nguyên sinh ven biển Bình Châu (Xuyên Mộc), khu rừng gập mặn với nhiều hệ sinh thái đa dạng gắn với di tích lịch sử Rừng sác (TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu) khu sinh thái Suối Tiên (Tân Thành)… Đây là những khu sinh quyển có giá trị không chỉ về kinh tế mà còn có giá trị về văn hóa lịch sử. Do đó tỉnh cần đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện các dự án đầu tư xây dựng, tôn tạo các khu bảo tồn sinh vật biển nhằm bảo vệ và giữ gìn tính đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa của tỉnh.
Để lại một bình luận