Cho đến nay Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách phát triển ngành thủy sản như: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển… ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi-măng, chế biến thủy sản chất lượng cao…”
.
Nghị quyết số 09- NQ/TW ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Luật Thủy sản năm 2003; Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 297/QĐ-TTg ngày 07/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 202/QĐ-BNN-TCTS ngày 10/02/2011 về việc phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện chiến lược thủy sản đến năm 2020. Và năm 2013, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 375/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, theo đó đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập của ngư dân, đồng thời hướng đến phát triển thành ngành công nghiệp khai thác hải sản hiệu quả và bền vững, khoảng 40% tàu có khai thác hải sản trên biển hoạt động theo các mô hình liên kết.
Trong đó, 90-100% tàu cá hoạt động ở vùng khơi tổ chức sản xuất theo mô hình có tàu dịch vụ hậu cần nghề cá trên ngư trường. 100% tàu cá khai thác hải sản vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường hạn ngắn (7-15 ngày/bản tin) và giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%. Đặc biệt năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ- CP đã nêu rõ các chính sách về hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản với nhiều ưu đãi về đầu tư tài chính, bảo hiểm, hỗ trợ kỹ thuật, nhằm giúp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thủy sản, đầu tư đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu thuyền khai thác thủy sản, đặc biệt là phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, các hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản.
Tháng 4 năm 2014 tại Phú Yên đã diễn ra Festival Thủy sản Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức; trong đó đã diễn ra Hội nghị về “Chiến lược phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và triển khai Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản”, theo đó đến năm 2020 ngành thủy sản Việt Nam sẽ phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu uy tín, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong hội thảo nhiều học giả quan tâm đến phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là khi chúng ta đã xác định đến năm 2020, Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền biển, đảo, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều đề xuất mang tính chiến lược về phát triển kinh tế biển đó là: Tập trung các nguồn lực xây dựng 06 Trung tâm nghề cá lớn gắn kết với các ngư trường trọng điểm, vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, với khu công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đó có Trung tâm nghề cá Bà Rịa – Vũng Tàu, gắn với ngư trường Đông Nam bộ. Các Trung tâm này sẽ bố trí các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu khai thác xa bờ; xây dựng các cơ sở sản xuất nước đá, hệ thống kho lạnh, chợ đầu mối thủy sản, các cơ sở sản xuất ngư cụ, thiết bị nghề cá phục vụ hoạt động nghề cá xa bờ. Xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình hợp tác công – tư (PPP) trong đầu tư, tạo sức hút, tạo động lực cho ngành thủy sản phát triển theo hướng CNH,HĐH hiệu quả và bền vững;
Như vậy Bà Rịa – Vũng Tàu được xác định là trung tâm nghề cá thứ tư gắn với ngư trường khu vực vùng biển miền Đông Nam Bộ và đây cũng là một trong 06 Trung tâm dịch vụ hậu cần thủy sản lớn nhất của cả nước.
Trong các văn kiện của Đại hội tỉnh đảng bộ Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã xác định: Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cơ bản trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và khai thác hải sản của khu vực và cả nước, một thương cảng quốc gia và quốc tế, phát triển thành tỉnh công nghiệp, mạnh về kinh tế biển…, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hải sản của cả khu vực và cả nước. Và trong Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ V (2010) cũng đã đề ra phương hướng phát triển thủy hải sản theo hướng đẩy mạnh việc nuôi trồng và khai thác biển khơi, tăng cường chế biến xuất khẩu đồng thời chú trọng đến tiêu dùng nội địa. Khuyến khích ngư dân đầu tư tàu lớn, trang thiết bị hiện đại khai thác hải sản xa bờ, không phát triển thêm số tàu nhỏ khai thác ven bờ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao trên vùng biển, đảo, lựa chọn địa điểm phù hợp, sớm đầu tư xây dựng khu chế biến hải sản tập trung.
Để lại một bình luận