Đầu tư xây dựng, nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
Tập trung mọi nguồn lực đầu tư, tái kiến trúc đô thị, trong đó chú trọng nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, dân trí của người dân địa phương, tạo môi trường “xanh – sạch – đẹp – văn minh – ấn tượng – thân thiện” đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế; ngoài các công trình văn hóa, công cộng cần được sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới từ nguồn vốn ngân sách, khối doanh nghiệp nhà nước, tỉnh cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân cũng chung tay tham gia khai thác loại hình dịch vụ công cộng, góp làm phong phú thêm các sản phẩm, dịch vụ vui chơi, ăn uống, mua sắm, giải trí tại địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu từ bình dân đến cao cấp.
Tỉnh phải ưu tiên phát triển các loại hình du lịch và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đã được giao đất xây dựng cơ sở vật chất hình thành các điểm vui chơi, giải trí, biểu diễn nghệ thuật nhằm thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; đồng thời tổ chức thường xuyên các sự kiện văn hoá, thể thao nhằm thu hút du khách. Trong những năm tới trên địa bàn tỉnh sẽ có 50% dự án đầu tư du lịch đã cấp phép đi vào hoạt động, trong đó có những dự án quy mô quốc tế nên nhu cầu lao động vững chuyên môn, giỏi ngoại ngữ cho ngành du lịch là rất lớn.
Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch kết hợp với các Sở, Ban ngành đầu tư xây dựng hoặc kêu gọi các đơn vị kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất hỗ trợ cho hoạt động dịch vụ du lịch như: lắp đặt hệ thống ATM, Internet, các biển báo, sơ đồ hướng dẫn các tuyến du lịch, lắp đặt các kính quan sát ở các điểm du lịch ở núi lớn, núi nhỏ, khu vực tượng Chúa Kito vua, Dinh Bảo Đại, giúp du khách có thể quan sát các khu vực TP Vũng Tàu và các giàn khoan ngoài vùng biển; xây dựng các khu vực trông giữ xe, nhà vệ sinh công cộng nhằm đem lại sự thuận tiện cho du khách khi đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống, tỉnh cần tiếp tục định hướng phát triển, khai thác du lịch di sản, trong đó chú trọng hoàn thiện, nâng cấp toàn bộ hệ thống 44 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc đã được xếp hạng, các điểm đến là các di tích văn hóa, lịch sử, kể cả các di sản phi vật thể, củng cố chợ Du lịch Vũng Tàu, tổ chức các sự kiện văn hóa – thể thao và du lịch như khai hội Văn hóa – Du lịch đầu xuân mới, Festival diều quốc tế, khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu như Lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Dinh Cô…, thành sản phẩm du lịch, điểm du lịch thu hút khách.
Đầu tư phương tiện và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, kêu gọi các nhà doanh nghiệp trong và nước ngoài nước đầu tư xây dựng cảng phục vụ tàu du lịch quốc tế; tăng cường việc tiếp cận phương tiện được an toàn, thuận lợi, bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi tham gia giao thông, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống khách sạn, nhà hàng du lịch; trong hoạt động hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch và các khâu đón tiếp, dịch vụ khác; đa dạng hoá các loại hình lưu trú, các tour, tuyến, loại hình du lịch, hàng lưu niệm cung cấp cho khách du lịch. Tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống khách sạn đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế Tỉnh tiếp tục nghiên cứu đề án, tìm kiếm nguồn lực trong nước cũng như quốc tế, nhất là các tổ chức phi chính phủ để xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu bảo tồn sinh vật biển. Bên cạnh khu sinh vật biển ở Côn Đảo, khu bảo tồn Thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, Bà Rịa – Vũng Tàu còn có nhiều khu vực cần được bảo tồn như: Khu Suối nước nóng Bình Châu, khu rừng nguyên sinh ven biển Bình Châu (Xuyên Mộc), khu rừng gập mặn với nhiều hệ sinh thái da dạng về thủy sản, cùng gắn với những di tích lịch sử văn hóa Rừng sác (TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu) khu sinh thái Suối Tiên (Tân Thành)… Đây là những khu sinh quyển có giá trị không chỉ về kinh tế mà còn có giá trị về văn hóa lịch sử. Do đó tỉnh cần đầu tư nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các dự án xây dựng, tôn tạo các khu bảo tồn biển, bảo vệ và giữ gìn tính đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa.
Tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thảm họa, chống xói lở, bảo vệ dân cư, ứng phó với biến đổi khí hậu trong vùng biển, đảo như xây tường bảo vệ bờ biển, đê, kè sông, kè biển, xây dựng kênh mương để kiểm soát lũ lụt… để phòng tránh, giảm thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra, các giải pháp sinh học, tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên ven biển nhằm tạo vùng đệm vững chắc, giúp giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Tăng cường công tác quảng bá du lịch trong và ngoài nước
Hiệp hội du lịch Việt Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu cần đóng vai trò liên kết mạnh mẽ hơn nữa để gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành khác cũng như địa phương để cùng xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch địa phương mang tính bền vững, giới thiệu hình ảnh du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu “ấn tượng – thân thiện” đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục tái bản có bổ sung và cập nhật thông tin các ấn phẩm như cẩm nang du lịch với nhiều thứ tiếng, các đĩa DVD quảng cáo sản phẩm du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch bằng việc trùng tu, tôn tạo các di tích nổi tiếng, thu hút đông du khách như Thích ca Phật đài, Bạch Dinh, địa đạo Long Phước, Trận địa pháo cổ và hầm thủy lôi núi Lớn, di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo. Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch biên soạn tài liệu thuyết minh, giới thiệu và đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác thuyết minh tại các di tích để di tích trở nên sống động, hấp dẫn du khách hơn, có kế hoạch tiếp tục xây dựng và thực hiện đề án khôi phục các lễ hội văn hóa phục vụ du lịch như Lễ hội cầu ngư Lăng ông Nam Hải, Lệ Cô, Lễ Trùng Cửu (Đạo Ông Trần ở xã đảo Long Sơn) đây cũng là những sản phẩm du lịch mang đậm nét của vùng biển, đảo.
Tỉnh cần tạo điều kiện cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Marketing Việt Nam đẩy mạnh quảng bá du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu ra nước ngoài, trước mắt tập trung xúc tiến vào thị trường du lịch Nhật Bản và Myanmar và một số nước châu Âu. Đồng thời xây dựng chương trình du lịch mang tính chiến lược “dài hơi” như: Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch thường niên, nhằm thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước, khuyến khích, tạo điều kiện để Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch tổ chức Lễ hội ẩm thực về đêm, phố đi bộ, nâng tần suất phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí như: đua chó, leo núi, lặn biển, câu cá, thả diều nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật… Hợp tác, liên kết các Tour du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đi các nước trong khu vực và thế giới.
Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò ngành du lịch, vì đây là ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xoá đói giảm nghèo cho nhân dân; nên phải bảo đảm môi trường du lịch văn minh, thân thiện, xây dựng hình ảnh du lịch tốt đẹp của địa phương.
Để lại một bình luận