Quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics
Theo các chuyên gia kinh tế thì năm 2010 tổng số lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam là 123,236 triệu tấn, trong đó cảng biển của Bà Rịa – Vũng Tàu là 37,068 triệu tấn chiếm khoảng 31%; năm 2011 là 290 triệu tấn và 45 triệu tấn chiếm khoảng 15,6% [5] và con số này sẽ tăng cao khi Việt Nam gia nhập TPP. Do đó việc ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, trung tâm dịch vụ logistcs là hết sức cần thiết, là đòi hỏi khách quan. Vì vậy để dịch vụ logistics phát triển, ngoài việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như cảng, kho bãi, đường giao thông, hệ thống cảng biển, đường bộ, đường sắt, đường không; cơ sở hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc. Song hành đó là một hạ tầng phần mềm tương thích với các cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý liên quan đến logistics. Đồng thời, tạo điều kiện cho khách hàng áp dụng thủ tục hải quan thuận lợi như hải quan điện tử, xử lý dữ liệu thông quan điện tử, thanh toán thuế, lệ phí bằng phương thức điện tử, ứng dụng các phần mềm quản lý trong khai thác cảng cũng như quản lý nguồn lực con người.
Trên tinh thần các chính sách của Đảng và Nhà nước, Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ V/2010 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong quá trình CNH, HĐH, trong đó nhấn mạnh vai trò của kinh tế biển là mũi nhọn, đặc biệt là dịch vụ hậu cần cảng biển và dịch vụ logistics “Xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ cảng, vận tải biển… Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, tập trung cho việc đầu tư phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần logistics, công nghiệp hỗ trợ và hệ thống hạ tầng giao thông kết nối; trong đó khẩn trương hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020; thành lập khu công nghiệp chuyên sâu thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản”.
Để trở thành một trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực và thế giới, năm 2014 UBND tỉnh đã có Quyết định số 1360/QĐ-UBND xác định vai trò của ngành dịch vụ cảng biển và logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, là bảo đảm thực hiện toàn bộ các chức năng logistics và quản lý chuỗi cung ứng căn bản với tiêu chuẩn dịch vụ không thua kém các nước trong khu vực, làm cho hàng hóa có thể luân chuyển nhanh và rẻ hơn trong khi vẫn bảo đảm các yêu cầu an toàn, tin cậy, tuân thủ các quy định quản lý xuất nhập khẩu, an ninh, môi trường và đến năm 2020 doanh thu trung bình dịch vụ cảng biển đạt 809 tỷ/năm, dịch vụ logistics đạt 361 tỷ/năm và để phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics, tỉnh cần thực hiện các giải pháp đồng bộ đó là:
+ Sở Giao thông vận tải tiếp tục khảo sát, xác định mức độ nông, sâu trong hệ thống cảng sông, cảng biển, tham mưu cho tỉnh có kế hoạch nạo vét toàn bộ hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh để có thể đảm bảo cho các tàu có trọng tải lớn ra vào cảng thuận tiện; quy hoạch và đầu tư, hoặc kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng một số cảng mới, có thể tận dụng các điểm cảng cũ nhưng có lợi thế về độ nước sâu, bến bãi, thuỷ triều, độ kín gió… để đầu tư nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải đường biển hiện nay, cải tạo, nâng cấp và thay thế có trọng điểm các trang thiết bị bốc dỡ cơ giới hiện đại, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu trong tình hình mới.
+ Phát triển hệ thống cảng theo quy hoạch cụm cảng thuộc nhóm cảng biển số 5, nhóm cảng biển số 8. Tiếp tục kiến nghị với Trung ương, các Bộ, ngành liên quan sớm di dời hệ thống cảng từ TP Hồ Chí Minh về Bà Rịa – Vũng Tàu; ban hành các cơ chế chính sách để phát triển cảng trung chuyển quốc tế. Tiến hành nạo vét luồng lạch, cải tạo luồng và xây dựng hệ thống cảng biển và cảng thủy nội địa để phát triển vận tải đường biển, đường sông theo phê duyệt của Chính phủ và của địa phương đến năm 2020.
+ Trong vận tải hàng hải: Khuyến khích các nhà đầu tư ngoài quốc doanh khai thác các tuyến nội địa; tập trung đầu tư đổi mới đội tàu lớn của các tổng công ty Nhà nước; ưu tiên phát triển mạnh những dịch vụ hàng hải hiện đại, xuất khẩu thuyền viên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xây dựng đề án đề xuất với Chính phủ về xây dựng thí điểm các công ty dịch vụ vận tải hàng hải đa quốc gia, mà trước tiên là trong nội khối các nước ASEAN.
+ Hoàn thành việc nâng cấp tuyến giao thông đường bộ TP Hồ Chí Minh đến TP Vũng Tàu (Quốc lộ 51), kết nối với hệ thống đường ven biển với các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên; nâng cấp sân bay Cỏ Ống (huyện Côn Đảo), cải tạo và khai thác sân bay Vũng Tàu; triển khai xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu gắn liền với các KCN lớn của Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, kết nối với hệ thống cảng biển, khu vực Thị Vải – Cái Mép, theo sự chỉ đạo của Chính phủ và thực tiễn nhu cầu về vận tải hàng hóa giữa các khu vực Đông Nam Bộ.
+ Tỉnh cần khẩn trương thực hiện quy hoạch đảo Gò Găng thành phố Vũng Tàu để đầu tư xây dựng một Trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học – công nghệ biển với diện tích khoảng 100ha, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoa học biển, đảo, hoặc Viện nghiên cứu biển, đảo cho khu vực phía Nam và của cả nước. Trước mắt tỉnh cần xúc tiến việc nghiên cứu xây dựng đề án, để sớm hình thành một Trung tâm Khoa học – Công nghệ biển, theo mô hình Công viên khoa học Technopol ở thành phố Brest thuộc Tây – Bắc nước Pháp; lựa chọn và ứng dụng một số công nghệ thích hợp, trong phạm vi kinh phí địa phương để nghiên cứu phát triển và quản lý vùng ven biển, vùng biển, đảo.
+ Tiếp tục tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh cảng biển, theo hướng đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục thoái vốn hoặc cổ phần 100% các cảng, bến nhỏ làm ăn không hiệu quả, khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy sự sáp nhập các cảng nhỏ thành các cảng có quy mô lớn, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào khai thác, tập trung mọi nguồn lực mạnh vào một số cảng lớn giữ vai trò chủ đạo của Nhà nước như: cảng quốc tế, cảng quân sự. Xây dựng đề án đầu tư phát triển đội tàu thuyền vận tải để từng bước tham gia vào các hoạt động vận tải cùng với Tập đoàn Hàng hải Việt Nam (Vina Shin), quy hoạch lại các khu vực dịch vụ đóng mới, sửa chữa tàu biển với quy mô hiện đại trên địa bàn tỉnh.
Để lại một bình luận