Kinh nghiệm quốc tế và trong nước đều chỉ ra rằng: sự thành công của XDNTM được quyết định bởi yếu tố con người. Ở Hà Tĩnh khi phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cho thấy một bộ phận cán bộ chỉ đạo, quản lý, năng lực, trình độ còn hạn chế, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở. Do đó, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho XDNTM và kiện toàn lại bộ máy quản lý XDNTM. Thứ nhất, sắp xếp lại bộ máy chỉ đạo, điều hành XDNTM các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Giao cho các Sở liên quan như Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư, Giao thông… phối hợp với UBND huyện phê duyệt quy hoạch và đề án XDNTM của các xã dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban chỉ đạo XDNTM Tỉnh.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ tham gia chỉ đạo, thực hiện Chương trình XDNTM, nhất là cán bộ cấp xã. Hiện tại, đội ngũ cán bộ các cấp trong Tỉnh hiểu biết về Chương trình XDNTM còn rất hạn chế. Trong khi đây là một Chương trình lớn, tổng hợp; lực lượng cán bộ tham gia chỉ đạo, quản lý tương đối lớn, đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng để chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện. Đây cũng là một trong các yếu tố quyết định đến thành công của Chương trình. Tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên (ở các ngành, đoàn thể chính trị từ tỉnh đến cơ sở) là lực lượng nòng cốt cho công tác tuyên truyền; tập huấn cho cán bộ XDNTM của các cấp để có kiến thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện. Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành, thực thi của cán bộ XDNTM ở các cấp: tỉnh, huyện, xã, thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai hiệu quả CTMTQG XDNTM. Về hình thức đào tạo, bồi dưỡng: đối với cán bộ cấp tỉnh, huyện nên đào tạo riêng, tập trung theo lớp; đối với cán bộ xã, thôn, phương pháp đào tạo được đánh giá hiệu quả nhất là “học thông qua hành”, cầm tay chỉ việc trong từng bước công việc bởi nhóm nòng cốt cấp huyện.
Thứ ba, đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Xác định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của chương trình XDNTM. Cần xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng đối tượng cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ. Đánh giá cán bộ dựa trên hai tiêu chí chính: (i) mức độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao; (ii) Mức động tín nhiệm của cộng đồng địa phương thông qua hình thức lấy phiếu tín nhiệm. Xử lý và thay thế kịp thời những cán bộ yếu về năng lực, giảm sút uy tín, công tác kém hiệu quả.
Để lại một bình luận