Trước hết Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phối kết hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông – Vận tải nhanh chóng rà soát lại quy hoạch phát triển hệ thống cảng cá, bến cá và các điểm tập kết hải sản. Việc quy hoạch này cần dựa trên điều kiện tự nhiên kết hợp với tập quán của ngư dân địa phương; tham mưu cho UBND tỉnh về quy hoạch đảm bảo tính lâu dài về hệ thống cảng cá, bến cá; đẩy mạnh xã hội hóa việc đầu tư xây dựng và quản lí cảng cá, bến cá và tranh thủ các nguồn vốn ODA và các nguồn tài trợ khác; đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển cơ sở hạ tầng ngành thủy sản theo quy hoạch đã được phê duyệt, gồm: hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão, lựa chọn một số khu neo đậu tàu, thuyền các cảng cá gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; thông tin trên biển, bảo đảm an toàn cho ngư dân. Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 sẽ có hơn 200 cảng cá, bến cá với tổng lượng thủy sản qua cảng, bến là 2.360.000 tấn/năm. Trong đó, tuyến bờ 178 cảng cá và bến cá với tổng lượng thủy sản qua cảng và bến là 2.145.000 tấn/năm; tuyến đảo có 33 cảng cá và bến cá với tổng lượng thủy sản là 215.000 tấn/năm. Do đó tỉnh cần tranh thủ tận dụng dự án đầu tư của trung ương, để quy hoạch xây dựng mới và nâng cấp các cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tàu, thuyền cho ngư dân địa phương cũng như ngư dân các địa phương khác trong khu vực.
Tỉnh cần tập trung đầu tư để mở rộng quy mô các cơ sở sản xuất, gia công máy móc, thiết bị phục vụ khai thác, sản xuất, kinh doanh vật tư, ngư cụ phục vụ khai thác, chế biến, giúp ngư dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chủ động trong sản xuất dây, lưới, sợi, phao, chì, câu, thúng, đèn…, thay thế hàng nhập khẩu. Tạo điều kiện thuận lợi về chính sách để thu hút cá nhân và các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho khai thác thủy sản, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp liên kết với ngư dân hoặc các hợp tác xã đánh bắt, chế biến thủy sản, tạo nên một chuỗi sản xuất khép kín, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, đảm bảo lợi ích cho ngư dân.
Hiện nay Nhà nước ta đã có chủ trương đầu tư cho ngư dân vay vốn ưu đãi để đóng tàu vỏ sắt vươn khơi bán biển. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh về việc đầu tư đóng mới các đội tàu lớn bằng vỏ sắt với công suất trên 100CV, để có thể đánh bắt xa bờ và tham gia thu mua, bao tiêu hải sản ngay tại các ngư trường trên biển…, thực hiện việc sơ chế hải sản…, cung ứng các nhu yếu phẩm cho tàu đánh bắt như lương thực, nước đá, nước ngọt, thực phẩm, rau hoa quả, thuốc men… Phát triển mạnh đội tàu cá khai thác xa bờ bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, kết hợp nguồn vốn tự có trong dân, nâng cấp công suất và hiện đại hóa máy móc thiết bị khai thác, đến 2020 phải đóng mới thêm 700 chiếc; đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đại cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất lớn để thực hiện nhiệm vụ thu mua, bảo quản hải sản cho các tàu đánh bắt xa bờ ngay trên biển. Theo kế hoạch đến năm 2020 đóng mới thêm 27 tàu dịch vụ và 10 tàu theo Nghị định 67/NĐ-TTg thì quá ít; do vậy Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu đề xuất với tỉnh và trung ương hỗ trợ đóng mới đội tàu dịch vụ hậu cần thủy sản đủ để đáp ứng nhu cầu đánh bắt ngoài khơi xa.
Hỗ trợ chủ tàu áp dụng các công nghệ số, viễn thám, sử dụng vệ tinh để theo dõi, quản lý nguồn lợi hải sản và đội tàu khai thác hải sản, ứng dụng công nghệ đánh bắt, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt đối với đội tàu đánh bắt xa bờ để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản từ trên 20% hiện nay xuống dưới 10%; nghiên cứu thiết kế mẫu tàu đánh cá, nghiên cứu vật liệu mới, để thay thế vỏ tàu gỗ hiện nay. Thực hiện dự án đóng mới đội tàu chế biến hải sản trên biển với công suất 2.500 CV theo công nghệ đánh bắt và chế biến tân tiến của Nhật Bản, Hàn Quốc. Hỗ trợ ngư dân thí điểm đầu tư lắp đặt máy sản xuất nước đá trên tàu cá, nhằm nâng cao chất lượng bảo quản hải sản.
Với thế mạnh là trung tâm khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản đứng thứ 2 cả nước, thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chế biến thủy sản tập trung của tỉnh là rất cần thiết, di dời các các cơ sở chế biến vào KCN. Triển khai đầu tư xây dựng khu chế biến hải sản tập trung tại TP Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ và huyện Xuyên Mộc, tạo điều kiện để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, trong đó ưu tiên đầu tư đổi mới dây chuyền, thiết bị chế biến hiện đại, công nghệ tiên tiến, cải tiến mẫu mã, bao bì, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm chế biến xuất khẩu, kể cả tận dụng phụ phẩm để chế biến các loại sản phẩm ăn liền, ăn nhanh; chế biến rong biển, chế biến các thực phẩm chức năng, các loại sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao có nguồn gốc từ thủy sản phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học và chất phụ gia trong chế biến thủy sản; công nghệ lên men nhanh để chế biến các sản phẩm thủy sản truyền thống; mặt khác cần quan tâm tăng kinh phí ngân sách cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cấp tỉnh trong lĩnh vực chế biến thủy sản; từng bước xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo HACCP, SQF, ISO trong chế biến thủy sản, nhằm phát triển chế biến xuất khẩu theo chiều sâu, đầu tư nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế. Đồng thời xem xét kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đề án di dời các khu chế biến thủy sản tại TP Vũng Tàu, huyện Tân Thành, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc và TP Bà Rịa đến khu chế biến thủy sản tập trung xã Tân Hải (huyện Tân Thành) sát với khu công nghiệp Long Hương với diện tích khoảng 148 ha; đây là khu vực khá thuận lợi để phát triển chế biến thủy sản do gần vùng nguyên liệu, dễ thu hút lao động và đặc biệt là có sự cân đối hài hoà với các ngành khác, ít tác động xấu đến hoạt động du lịch. Hơn nữa, đây là khu vực có điều kiện thuận lợi về luồng lạch cho tàu thuyền ra vào dễ dàng; kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại đây thấp hơn các khu vực khác, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp.
Tỉnh tạo điều kiện cho các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường nghiên cứu hoặc liên kết với các Viện nghiên cứu, trường Đại học để chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghệ chế biến surimi từ các loài cá kém giá trị kinh tế chế biến thành sản phẩm giá trị gia tăng (giả tôm, cua…); nghiên cứu tận dụng phế thải từ chế biến thủy sản để chế biến thành các sản phẩm có ích (như sản xuất chitin, chitozan từ vỏ tôm, cua; chiết rút dầu cá từ nội tạng cá; chế biến bột đạm cô đặc từ đầu, vây, vảy, nội tạng của các loài thủy sản…). Đầu tư nguồn vốn cho nghiên cứu nguồn lợi thủy sản, nghiên cứu cho sinh sản các giống hải sản đặc biệt quí hiếm như Ngọc trai, Hào, Sò huyết, Tôm hùm, Hải sâm…, sản xuất giống sạch bệnh, nghiên cứu dinh dưỡng của từng loài, sản xuất thức ăn thủy sản, nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ Rong biển, chế biến dược phẩm, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ hải sản, kỹ thuật công nghệ cơ khí thủy sản… Để đạt mục tiêu đến 2020 tỉnh là một trong những Trung tâm nghề cá lớn nhất cả nước, tạo động lực, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện CNH, HĐH ngành thủy hải sản góp phần tăng trưởng nền kinh tế.
Nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào sử dụng các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu tại Bà Rịa, Tân Thành theo tiêu chuẩn Châu Âu, triển khai và đưa vào sử dụng các dự án nhà máy chế biển thủy sản xuất khẩu ở Lộc An và Phước Hòa. Tỉnh cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ưu đãi để nâng cấp nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO, SQE… Đây là yêu cầu cấp thiết để chúng ta tham gia thị trường thế giới theo các tiêu chuẩn chất lượng thế giới, đặc biệt khi chúng ta thực hiện các cam kết của WTO hay TPP trong tương lai.
Tỉnh hỗ trợ hoặc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nước đá phục vụ cho khai thác và bảo quản thủy sản: Theo kinh nghiệm của ngư dân đi biển thì các loài thủy sản nhiệt đới có tỷ lệ sử dụng nước đá để bảo quản là rất cao theo tỷ lệ 1:1 (tức là 1 kg cá được bảo quản bởi 1 kg nước đá). Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đến năm 2020 sản lượng khai thác đạt khoảng 275.000 tấn nên nhu cầu lượng nước đá cũng tương đương, chưa kể đến nguồn nguyên liệu thủy sản từ các tàu, thuyền các địa phương khác, nhưng hiện nay các cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu; Tỉnh cần quy hoạch, đầu tư xây dựng hoặc tạo điều kiện để ngư dân xây dựng các cơ sở đan, vá lưới, cung ứng trang thiết bị và nhiên liệu phục vụ cho thủy sản. Năm 2015 lưới sợi cần sử dụng phục vụ cho nghề cá khoảng 5.000 tấn, năm 2020 khoảng 6.000 tấn, do vậy cần phải xây dựng thêm ba xưởng lắp ráp, chế tạo ngư cụ với quy mô từ 100 đến 120 tấn/năm.
Để lại một bình luận