Sự gắn kết giữa kế hoạch và nguồn lực tài chính là yêu cầu tự thân của quá trình lập kế hoạch, bởi đó là sự gắn kết giữa mục đích và phương tiện. Kế hoạch gắn với nguồn lực tài chính một mặt thể hiện tính khoa học và khả thi của kế hoạch bởi nó được đảm bảo nguồn lực để triển khai các giải pháp. Mặt khác, sử dụng nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực công từ NSNN dựa trên định hướng và có mục tiêu rõ ràng sẽ đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Kế hoạch ngân sách giáo dục là công cụ quản lý các hoạt động tạo lập, phân bổ và sử dụng các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển giáo dục. Nó chỉ trở thành công cụ quản lý hữu hiệu khi được lập dựa trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu và ưu tiên chiến lược của ngành với tổng các nguồn ngân sách sẵn có được dự kiến.
Luật NSNN 2015 cũng quy định rõ một trong những căn cứ lập dự toán NSNN là nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Dự toán chi ĐTPT được lập dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; KHTC 05 năm. Dự toán chi thường xuyên được lập trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định”.
Đối với ngành giáo dục tỉnh Thanh Hóa, để kế hoạch gắn kết chặt chẽ với nguồn lực tài chính, nhất là từ NSNN, thì kế hoạch ngành giáo dục phải thực sự đóng vai trò định hướng cho việc phân bổ nguồn lực tài chính và ngược lại, dự toán chi NSĐP phải tôn trọng và tuân thủ các ưu tiên định hướng mà kế hoạch ngành đã vạch ra. Để làm được điều đó, cần đảm bảo các điều kiện sau đây:
Một là, kế hoạch ngành giáo dục phải thể hiện tính chiến lược trong việc xác định mục tiêu và giải pháp
Tính chiến lược thể hiện ở việc lựa chọn các mục tiêu ưu tiên và lựa chọn các giải pháp hợp lý nhất để đạt được mục tiêu đó. Sự ưu tiên các mục tiêu thực chất là sự đánh đổi giữa các kỳ kế hoạch. Tuy nhiên các mục tiêu được lựa chọn cần đảm bảo nhất quán và hướng tới mục tiêu dài hạn.
Sau khi chọn mục tiêu ưu tiên cần lựa chọn giải pháp ưu tiên. Các giải pháp ưu tiên cần hướng đến việc thực hiện các mục tiêu đã đặt ra để đảm bảo hiệu quả phân bổ.
Hai là, ưu tiên phân bổ nguồn NSNN để thực hiện các giải pháp ưu tiên
Trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn, nguồn NSNN dành cho giáo dục của tỉnh nên được ưu tiên phân bổ cho các lĩnh vực cần đến vai trò của Nhà nước, chẳng hạn ưu tiên phân bổ cho bậc tiểu học. NSNN cũng nên được sử dụng như “vốn mồi” và cần được lồng ghép với các nguồn ngoài NSNN khác. Đồng thời, ngành giáo dục cũng cần dành nguồn lực cho các giải pháp ưu tiên để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Ba là, kế hoạch ngành giáo dục phải đảm bảo thu hút sự tham gia của các bên liên quan
Các bên liên quan trong quá trình lập kế hoạch ngành giáo dục tỉnh không chỉ có các đơn vị trực thuộc ngành giáo dục, các cơ quan tài chính, kế hoạch và chính quyền các cấp, mà còn bao gồm đối tượng hưởng lợi là học sinh/ phụ huynh học sinh và các đối tác khác trên địa bàn.
Việc thu hút sự tham gia của các bên liên quan không chỉ đảm bảo huy động được trí tuệ, nguồn lực của xã hội mà còn đảm bảo sự đồng thuận và gắn kết trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện kế hoạch. Sự tham gia phải được thể hiện cụ thể trong quy trình lập kế hoạch ngành.
Để dự toán chi NSĐP cho GDCL gắn với kế hoạch phát triển ngành cần thực hiện đồng thời các giải pháp sau:
Một là, hướng dẫn xây dựng dự toán hàng năm của Sở KH&ĐT, Sở Tài chính cần cụ thể các tiêu chí trong việc lựa chọn các dự án, nhiệm vụ ưu tiên trong năm dự toán và trong giai đoạn 03 năm. Giai đoạn 2011-2017, lập dự toán chi NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa chủ yếu dựa trên cơ sở đề xuất của các đơn vị dự toán, chưa có sự đối chiếu với các mục tiêu tổng thể của ngành để lựa chọn thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch của ngành giáo dục cũng chỉ dừng lại ở việc xây dựng kế hoạch và tổng hợp dự toán của các đơn vị trực thuộc chứ chưa rà soát, tổng hợp đầy đủ các nhiệm vụ và dự toán toàn ngành. Vì vậy, dự toán chi NSĐP cho GDCL nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu kinh phí thực hiên các nhiệm vụ của ngành.
Hai là, tăng cường sự tham gia của Sở GD&ĐT vào quá trình thảo luận dự toán chi NSĐP cho GDCL với các đơn vị, địa phương (huyện, thị xã, thành phố).
Sở GD&ĐT mới tham gia thảo luận dự toán với các đơn vị dự toán cấp tỉnh trực thuộc mà không tham gia thảo luận dự toán chi SNGD đối với các huyện, thị xã, thành phố.
Tăng cường sự tham gia của Sở GD&ĐT vào việc thảo luận dự toán chi NSĐP cho GDCL khi Sở Tài chính tổ chức thảo luận dự toán với các đơn vị dự toán cấp tỉnh ngành GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ giúp cơ quan tài chính lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên để bố trí dự toán phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển ngành. Đồng thời, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, sự tham gia của Sở GD&ĐT còn làm cho các cam kết của các đơn vị sử dụng ngân sách, các địa phương về nhiệm vụ năm kế hoạch mang tính ràng buộc cao hơn.
Đồng thời, để quá trình thảo luận dự toán giữa cơ quan tài chính và các đơn vị dự toán đạt hiệu quả cao nhất, gắn nguồn lực được phân bổ với các mục tiêu, nhiệm vụ năm kế hoạch của đơn vị, cơ quan tài chính (mà đại diện là các cán bộ chuyên quản các đơn vị ngành giáo dục) cần nắm vững đặc thù của ngành, của đơn vị, các mục tiêu, nhiệm vụ cuả ngành, các mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn kế hoạch. Cơ quan tài chính và cơ GD&ĐT ở địa phương cần có sự trao đổi, thảo luận để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên trong trung hạn (3 năm, 5 năm), các nhiệm vụ ưu tiên thực hiện trong năm dự toán. Từ đó, xác định nhu cầu nguồn lực cần có để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức chi tiêu và khả năng nguồn lực của địa phương. Quá trình thảo luận dự toán giữa cơ quan tài chính và cơ quan GD&ĐT cũng cần đạt tới kết quả là một bản “cam kết” về việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ tương ứng với kinh phí được giao. Đây là một trong các cơ sở quan trọng để cơ quan tài chính thực hiện đánh giá khi quyết toán ngân sách.
Ba là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Tài chính, Sở GD&ĐT và các địa phương trong xây dựng dự toán chi NSĐP cho GDCL:
Để dự toán chi NSĐP cho GDCL gắn với kế hoạch phát triển ngành, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở GD&ĐT, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố như đã phân tích ở mục 3.2.1.1. Cơ chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương và sự tham gia của Sở GD&ĐT vào quá trình thảo luận dự toán cần được thể chế hóa bằng các văn bản của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Trong đó, vai trò của Sở GD&ĐT trong quá trình lập dự toán chi NSĐP cho GDCL có thể được quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán hằng năm và hướng dẫn xây dựng KHTC – ngân sách 03 năm, 05 năm của địa phương.
Kế hoạch phát triển ngành giáo dục cần được phân chia nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương một cách rõ rang, minh bạch và xây dựng lộ trình thực hiện các mục tiêu, giải pháp cho từng giai đoạn cụ thể. Từ đó, làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán hàng năm và KHTC trung hạn của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bốn là, xây dựng mẫu đề xuất dự toán để thảo luận dự toán giữa cơ quan tài chính với các đơn vị.
Để dự toán chi NSĐP cho GDCL gắn với kế hoạch phát triển ngành, gắn QLNS với kết quả thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị sử dụng ngân sách cần đề xuất được các nhiệm vụ và dự toán kinh phí ngay từ khâu xây dựng dự toán. Bản đề xuất này sẽ là cơ sở để cơ quan quản lý ngành (Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT các địa phương), cơ quan tài chính kiểm tra, đối chiếu và xác định mức NSNN hỗ trợ cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ và đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ khi quyết toán.
Bản đề xuất có thể gồm các nội dung chính: (Phụ lục 3.3)
1)Tên nhiệm vụ;
2) Cam kết về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm báo cáo;
3) Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm báo cáo;
4) Kinh phí thực hiện nhiệm vụ năm báo cáo;
5) Mục tiêu của nhiệm vụ năm kế hoạch;
6) Mức độ hoàn thành nhiệm vụ dự kiến năm kế hoạch: cam kết của đơn vị SDNS về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm kế hoạch.
7) Nhu cầu kinh phí thực hiện nhiệm vụ năm kế hoạch tương ứng với mức độ hoàn thành nhiệm vụ dự kiến;
8) Nguồn kinh phí huy động từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp, hoạt động dịch vụ hoặc nguồn huy động khác của đơn vị cho thực hiện nhiệm vụ năm kế hoạch;
9) Kinh phí đề nghị NSNN hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.
Các nhiệm vụ cần được phân chia thành các nhóm: các nhiệm vụ thường xuyên; các chương trình, dự án; chế độ chính sách đặc thù đối với các đối tượng của ngành giáo dục (cán bộ giáo viên và học sinh).
Lộ trình thực hiện: hiện nay đã qua thời gian thảo luận và xây dựng dự toán NSĐP 2019, KHTC – ngân sách 03 năm 2019-2021. Do đó, ngay khi xây dựng các văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán chi NSĐP năm 2020 cho GDCL có thể thể chế hóa vai trò, nhiệm vụ của Sở GD&ĐT để làm cơ sở thực hiện giải pháp.
Để lại một bình luận