Trên cơ sở định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011- 2020 của Đại hội Đảng lần thứ XI, ngày 27 tháng 1 năm 2011 Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020, đồng thời ký ban hành Quyết định 1012/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống TT logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Chính phủ đặt mục tiêu phát triển khu vực cảng biển nước ta trở thành TT logistics tích hợp các kinh nghiệm từ các nước hàng đầu phát triển trên thế giới về năng lực vận tải hàng hải, đường bộ, xếp dỡ, lưu kho, thủ tục hành chính và liên kết mạng kết hợp với công nghệ thông tin vượt trội. Cần thiết phải có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các Tập đoàn có năng lực, kinh nghiệm trong ngành vận tải hàng hải, đường bộ, cảng biển, dịch vụ logistics tham gia vào đầu tư, góp vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, hệ thống cảng biển, các dịch vụ logistics.
Trước mắt, phải đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, hàng không, phát triển giao thông vận tải liên kết, nhằm giảm ách tắc giao thông; góp phần tạo thuận lợi cho việc đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics cảng biển; tạo điều kiện thuận lợi, hiệu quả trong việc vận tải con người, hàng hóa, nhất là vận tải container; góp phần giảm chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa xuất nhập khẩu, tăng năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, tiến hành lập quy hoạch kế hoạch đầu tư phát triển vùng cảng biển, quy hoạch đầu tư mở rộng các TT logistics phục vụ cho hệ thống cảng biển, cũng như đầu tư trang bị các công nghệ, thiết bị chuyên dùng tiên tiến của thế giới; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử tự động trong các khâu dịch vụ logistics.
Chính phủ xác định rõ dịch vụ logistics là ngành được ưu tiên phát triển, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ với mục tiêu phát triển ngành logistics thành ngành lợi thế cạnh tranh quốc tế trọng điểm của Việt Nam. Mục tiêu việc phát triển mạng lưới TT logistics là bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình logistics bên thứ 3 (3PL) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Từng bước triển khai mô hình logistics bên thứ 4 (4PL) và logistics bên thứ 5 (5PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Trên cơ sở nghiên cứu và tham vấn từ các nhà hoạch định và nhiều tổ chức liên quan, dự án hỗ trợ phát triển quy hoạch logistics RETA 6450 về tăng cường tạo thuận lợi thương mại và giao thông GMS-Phát triển các kế hoạch logistics quốc gia do Ngân hàng châu Á ADB và Bộ Công thương phối hợp thực hiện đã đề ra khung chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam rất cần có sự chỉ đạo nhất quán quyết liệt, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như quyết tâm, kiên trì, hợp tác hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, các chính quyền địa phương liên quan và của các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời tham khảo mô hình phát triển của các nước đi trước để có thể phát triển ngành logistics theo đúng xu hướng phát triển chung của thế giới, học hỏi được các kinh nghiệm hay và tránh hạn chế mắc phải những sai lầm mà các nước khác đã gặp phải.
Để lại một bình luận