Phần lớn các doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá của họ để thưởng cho những khách hàng thanh toán trước thời hạn, mua khối lượng lớn, và mua vào những lúc trái thời vụ. Những điều chỉnh giá cả này được gọi là các khoản chiết khấu (discounts) và bớt giá ( allơwances).
a. Chiết khấu trả tiền mặt (Cash discount)
Chiết khấu trả tiền mặt là sự giảm giá cho những khách hàng nào mua và thanh toán tiền ngay. Ví dụ doanh nghiệp đưa ra công thức chiết khấu trả tiền mặt “ 2/10 net 30”, có nghĩa là việc thanh toán kéo dài trong vòng 30 ngày, nhưng người mua có thể được giảm 2 phần trăm mức giá nếu thanh toán tiền mua hàng trong vòng 10 ngày. Khoản chiết khấu này phải bảo đảm cho tất cả mọi khách mua đáp ứng được điều kiện đó. Khoản chiết khấu như vậy đã trở thành thông lệ trong nhiều ngành và giúp cho việc cải thiện khả năng thanh toán của người bán và giảm bớt chi phí để thu hồi tiền cho vay và nợ khó đòi.
b. Chiết khấu theo số lượng ( quantity diplount)
Chiết khấu theo số lượng là sự giảm giá cho những khách hàng mua sản phẩm với số lượng lớn. Một thí dụ tiêu biểu là điều kiện ‘’ 10 000 đồng cho mỗi đơn vị sản phẩm khi mua dưới 100 đơn vị sản phẩm, 9 000 đồng cho mỗi đơn vị sản phẩm khi mua 100 đơn vị sản phẩm trở lên‘’. Chiết khấu theo số lượng mua lớn phải được áp dụng thống nhất cho mọi khách hàng, và không được vượt quá mức tiết kiệm chi phí cho người bán nhờ bán được khối lượng lớn. Những khoản tiết kiệm này bao gồm phần giảm những chi phí bán hàng, lưu kho và vận chuyển. Việc chiết khấu theo số lượng có thể áp dụng theo nguyên tắc không cộng dồn (tính theo số lượng sản phẩm mỗi lần đặt hàng) hay cộng dồn (tính trên số lượng sản phẩm những lần đặt hàng trong một thời kỳ nhất định nào đó). Chiết khấu theo số lượng khuyến khích khách hàng đặt mua nhiều hơn ở một người bán nào đó, hơn là mua từ nhiều nguồn khác nhau.
c. Chiết khấu chức năng (functional discount)
Chiết khấu chức năng, còn được gọi là chiết khấu thương mại (trade discount), được các nhà sản xuất áp dụng cho các thành viên của kênh thương mại, là những người đang thực hiện những chức năng nào đó như bán hàng, cất trữ và bảo quản hàng, kết toán sổ sách. Các nhà sản xuất có thể áp dụng những mức chiết khấu chức năng khác nhau cho các kênh thương mại khác nhau, nhưng họ phải áp dụng cùng một mức chiết khấu trong phạm vi từng kênh thương mại.
d. Chiết khấu theo mùa ( seasonal discount)
Chiết khấu theo mùa là sự giảm giá cho khách hàng mua sản phẩm hay dịch vụ vào thời kỳ trái mùa. Chiết khấu theo mùa cho phép người bán duy trì sản xuất đều đặn trong suốt cả năm.
e. Bớt giá (allowance)
Bớt giá là một dạng khác của việc giảm giá so với biểu giá đã qui định. Chẳng hạn, bớt giá khi mua mới đổi cũ ( trade-in allowance) là giảm giá cho những trường hợp trả lại hàng cũ khi mua hàng mới. Chước giảm đổi hàng rất phổ biến trong ngành xe hơi, cũng như trong một số loại hàng bền khác. Bớt giá khi mua mới đổi cũ thường đươcư áp dụng phổ biến đối với các sản phẩm dùng lâu bền. Bớt giá cổ động ( promotional allowance) là những khoản chi trả hay bớt giá để thưởng cho những trung gian phân phối tham gia vào các chương trình cổ động và hỗ trợ cho việc bán sản phẩm.
Để lại một bình luận