Điều kiện và năng lực hấp thụ vốn là một khái niệm rất phổ biến trong nghiên cứu về nguồn vốn ODA. Khái niệm này lần đầu tiên được sử dụng để giải thích về hiệu quả nguồn vốn ODA trong các nghiên cứu của Millikan and Rostow (1957), Rosenstein–Rodan (1961). Chenery and Strout (1966) đã chứng minh tồn tại mối quan hệ phi tuyến giữa nguồn vốn ODA và tăng trưởng kinh tế, nghĩa là ban đầu nguồn vốn ODA hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng đến một mức độ cực đại thì nguồn vốn ODA làm giảm tăng trưởng kinh tế, nguyên nhân là bởi vấn đề khả năng hấp thụ vốn. Rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm sau này của Hansen and Tarp (2000), Lensink and White (2001), Dalgaard and Hansen (2001), Hudson and Mosley (2001), Dalgaard et al (2004), Roodman (2004), Clemens et al (2004) và Feeny and McGillivray (2010) cũng khẳng định tồn tại về mối quan hệ phi tuyến giữa nguồn vốn ODA và tăng trưởng kinh tế. Theo các nghiên cứu trước đây thì hai nhân tố chính cấu thành nên điều kiện và năng lực hấp thụ vốn đó là mức độ vốn con người và chất lượng cơ sở hạ tầng. Một quốc gia có mức độ vốn con người thấp và chất lượng cơ sở hạ tầng kém thì khi nguồn vốn ODA đổ vào các quốc gia này quá nhiều dẫn đến vượt khả năng hấp thụ vốn và sẽ không mang hiệu quả. Ngược lại, quốc gia có nguồn lao động chất lượng cao và cơ sở hạ tầng tốt sẽ góp phần tích cực trong việc sử dụng nguồn vốn ODA được tiếp nhận có hiệu quả.
Khả năng hấp thụ vốn
Khả năng hấp thụ vốn được đo lường như thế nào? Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về khả năng hấp thụ vốn nhưng thật khó để đo lường chính xác mức độ khả năng hấp thụ vốn của một quốc gia. Theo nghiên cứu của Canning (1996) chỉ số khả năng hấp thụ vốn bằng tổng công suất phát điện. Còn theo nghiên cứu của Barro and Lee (2000) chỉ số khả năng hấp thụ vốn bằng tỷ lệ số người hoàn thành trình độ học vấn cấp hai trên tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Hầu hết các nghiên cứu về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) sử dụng chỉ số phát triển con người (HDI) của tổ chức Liên hiệp quốc (UN) đại diện cho khả năng hấp thụ vốn.
Chỉ số HDI được Liên Hợp Quốc tính theo 2 bước. Bước thứ nhất, chỉ số thành phần sẽ được tính bằng công thức It = (Xmax –Xt)/ (XMax – XMin) trong đó It là chỉ số thành phần tại năm t, Xt là giá trị tại năm t, XMax , XMin lần lượt là giá trị biến X lớn nhất và nhỏ nhất trong giai đoạn nghiên cứu. Bước thứ hai, chỉ số tổng hợp HDI là trung bình cộng của 2 chỉ số thành phần và có giá trị từ 0 đến 1. Giá trị càng tiến về 1 cho thấy quốc gia đó có trình độ dân trí càng cao.
Để lại một bình luận