Theo phương án sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp đã được phê duyệt, giai đoạn 2011-2015 dự kiến cổ phần hóa 527 doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến tháng 11/2015 vừa qua mới chỉ cổ phần hóa được 397 doanh nghiệp, đạt 75% kế hoạch. Như vậy, giai đoạn. 2016-2020, Chính phủ tiến hành cổ phần hóa 130 doanh nghiệp còn lại của giai đoạn trước và đặt chỉ tiêu thực hiện cổ phần hóa tiếp khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế cho thấy, khi tỷ lệ cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa quá cao thì tỉ lệ cổ phần hóa sẽ thành công rất thấp vì các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều kỳ vọng nắm giữ một lượng cổ phiếu đủ lớn để có quyền thay đổi quản trị, đổi mới doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp khi đầu tư vào khu vực doanh nghiệp nhà nước. Theo tác giả, còn tồn tại sự bất cập trong một số chính sách quy định về tỷ lệ nắm của nhà nước đối với doanh nghiệp cổ phần hóa chưa phù hợp thực trạng yêu cầu của nhà đầu tư và thị trường. Do đó, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan chuyên trách, các nhà đầu tư và tín hiệu thị trường để ban hành các văn bản chính sách trong thời gian tới.
Một số đề xuất điều chỉnh các chính sách cổ phần hóa như sau:
Thứ nhất, Điều chỉnh quy định đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị doanh nghiệp, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, Chính phủ cần thiết xem xét điều chỉnh theo hướng giao các cơ quan chuyên trách chỉ đạo doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ phải thu, phải trả đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định;
Thứ hai, sử dụng lợi nhuận bình quân của 10 năm trước khi cổ phần hóa để tính lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp;
Thứ ba, giảm tỷ lệ cổ phần do nhà nước nắm giữ, trừ các lĩnh vực trọng yếu như: an ninh quốc phòng, viễn thông, độc quyền tự nhiên, còn lại theo hướng đa sở hữu, có thể theo hai phương án:
– Quy định hai mức tỉ lệ cổ phần nắm giữ là 51% và 65%. Tiếp tục bán cổ phần của các doanh nghiệp mà tỷ lệ nắm giữ nhà nước hơn 90%;
– Được phép trình phương án giảm tỷ lệ nắm giữ nhà nước thấp hơn 51% cho cơ quan chuyên trách xem xét, nhằm tăng quyền cho cổ đông ngoài nhà nước có thể thay đổi quản trị đổi mới, tăng cao hiệu quả doanh nghiệp.
Thứ tư, gắn việc cổ phần hóa doanh nghiệp với đăng ký giao dịch ngay trên thị trường chứng khoán đối với các loại cổ phiếu đáp ứng đủ điều kiện của thị trường chứng khoán nhưng không niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung;
Thứ năm, thực hiện đấu giá công khai và rộng rãi trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp có cổ phần bán ra trên 10 tỷ đồng và khuyến khích bán rộng rãi ra công chúng đối với các doanh nghiệp có lượng cổ phần bán ra nhỏ hơn 10 tỷ đồng;
Thứ sáu, tạo điều kiện cho các công ty cổ phần thành lập theo Luật doanh nghiệp, hiện đang hoạt động với quy mô vốn từ 5 tỷ đồng trở lên được tham gia đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Để lại một bình luận