Có thể nói rằng, quá trình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tới thời điểm hoàn thiện và bắt kịp với các nước phát triển trong khu vực và thế giới gần hai thập kỷ hình thành và phát triển, có thể tổng quát các dấu hiệu cho sự phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam như sau:
– Quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng thị trường và hiện đại ngang với các nước phát triển trong khu vực, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo quyết liệt;
– Môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tỷ giá hối đoái ổn định, tăng trưởng kinh tế ở mức cao .
– Hệ thống pháp lý đang dần hoàn thiện, phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế;
– Hệ thống thị trường đang dần hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Hội nhập sâu với khu vực và thế giới thông qua các hiệp định kinh tế; các thông tin thị trường được minh bạch hơn và chính sự minh bạch này đã làm cho thông tin trở nên rõ ràng và chính xác hơn;
– Thị trường chứng khoán phái sinh được hình thành, góp phần đa dạng hàng hóa trên thị trường chứng khoán;
– Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh quyết liệt, như một điều kiện quan trọng cho phát triển bền vững của nền kinh tế;
– Ngày càng hoàn thiện hơn các chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư trên thị trường tài chính;
– Cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong vận hành và giám sát ngày càng hoàn thiện, đội ngũ quản lý được quan tâm nâng cao trình độ, v.v…
Nhìn chung, các giải pháp áp dụng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam cần điều chỉnh theo các nguyên tắc:
– Phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội;
– Tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế;
– Tập trung hoàn thiện cấu trúc thị trường;
– Tính công khai, minh bạch của thị trường;
– Thúc đẩy thị trường tài chính phát triển.
Trên cơ sở những phân tích trong nghiên cứu, tác giả đề xuất lộ trình áp dụng giải pháp trong giai đoạn 2015-2020 như sau:
Thứ nhất, định hướng quy mô vốn hóa thị trường đến năm 2020 quy mô khoảng 75-80% GDP; hoàn thiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán Việt nam và sửa đổi, bổ sung một số bất cập còn tồn tại trong Luật Chứng khoán, gồm: i) quy định tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần hóa; ii) quyền hạn của Ủy ban chứng khoán nhà nước; iii) quy định các hành vi bị cấm trong đầu tư chứng khoán; iv) bổ sung thêm cho đầy đủ ngoài các hình thức chào bán ra công chúng đang thực hiện theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ; v) bổ sung các điều kiện chào bán lần đầu (IPO), chào bán thêm và chào bán trái phiếu ra công chúng; vi) bổ sung các điều kiện của công ty đại chúng theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến; vii) Bổ sung thêm các loai chứng khoán được tổ chức giao dịch trên SGDCK bao gồm cổ phiếu của DNNN cổ phần hóa, chứng khoán của doanh nghiệp khác chưa đủ điều kiện niêm yết và các loại chứng khoán khác.
Thứ hai, Tái cấu trúc thị trường trên cơ sở thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam theo hướng: từng bước cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động, thuận tiện trong việc nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường; bổ sung các điều kiện niêm yết của công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán.
Thứ ba, định hướng rõ ràng về sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các tổ chức có quy mô vốn lớn như ngân hàng, công ty bảo hiểm. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư cá nhân đầu tư vốn thông qua các quỹ đầu tư đại chúng với đa dạng loại hình.
Thứ tư, đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư như quỹ đóng, quỹ mở, quỹ mạo hiểm; cho phép thành lập các tổ chức phụ trợ, nhất là các tổ chức định mức tín nhiệm.
Thứ năm, tiếp tục ban hành, hoàn chỉnh, sửa đổi các văn bản hướng dẫn, quy định về hoạt động, nghiệp vụ trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và phát triển thị trường chứng khoán.
Để lại một bình luận