Để làm cơ sở cho đề xuất các giải pháp về thúc đẩy lao động có kỹ năng của Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN một cách hiệu quả nhất, phần này sẽ xem xét về cầu lao động các nước trong ASEAN, kể cả trong quá khứ và tương lai; khả năng (năng lực) cung cấp của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng (khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam so với các nước khác) đối với một số nghề thuộc MRAs và cả đối với những nghề mới là xu hướng của lao động có kỹ năng và nằm trong cầu lao động của các nước trong tương lai.
Dân số và lao động
Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, năm 2017, tổng dân số của 10 nước thành viên ASEAN là 647.387.135 người, đứng thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) (Phụ lục 9).
Năm 2017, ASEAN có gần 327 triệu lao động. Trong đó, In-đô-nê-xia là nước có dân số đông nhất với khoảng 264 triệu người bao gồm 127 triệu người lao động. Việt Nam với hơn 95 triệu người dân xếp hạng thứ 3 về dân số (sau In-đô-nê-xia và Phi-lip-pin) song dân số trong độ tuổi lao động lại xếp thứ 2 với khoảng 55,5 triệu người. Nếu so sánh giữa số lượng lao động với tổng dân số, Việt Nam là một trong hai nước có tỷ lệ lao động cao nhất trong khối (58,2%), cao hơn My-an-ma và In-đô- nê-xia (khoảng 52%).
* Cơ cấu việc làm theo các ngành kinh tế trong khu vực ASEAN:
Cơ cấu việc làm của các nước vẫn có sự phân chia rõ rệt theo nhóm nước (Phụ lục 11). Trong đó, tại các nước phái cử lao động chính là Cam-pu-chia, In-đô-nê-xia, My-an-ma và Việt Nam, nông nghiệp vẫn là ngành tạo ra nhiều việc làm nhất cho lao động (ít nhất là 41,9% tại Việt Nam và 71,8% tại In-đô-nê-xia). Ngược lại, tại một số nước tiếp nhận lao động như Xing-ga-po và Bru-nây, tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ rất cao với lần lượt là 83,9% và 74,8%. Về công nghiệp: Tỷ trọng việc làm trong ngành sản xuất công nghiệp của các nước ASEAN không cao, chỉ nhiều nhất là tại Ma- lai-xia với 48,4%, tiếp sau là Thái Lan chiếm 38,5% trong khi Xing-ga-po có tỷ trọng thấp nhất thứ hai là 16,1%. Cơ cấu nền kinh tế đã tác động trực tiếp lên việc làm, năng suất lao động, tạo độ chênh lệch rất lớn về mức lương và thu nhập bình quân.
* Năng suất lao động và mức lương
Một trong những nhân tố thu hút việc di cư lao động quốc tế là chênh lệch về mức lương và năng suất lao động giữa các khu vực, các quốc gia. ASEAN cũng không phải ngoại lệ. Tại những nước tiếp nhận lao động chính bao gồm Bru-nây, Xing-ga-po và Ma-lai-xia, Thái Lan, tỷ trọng GDP của các ngành dịch vụ và sản xuất cao làm GDP cao dẫn đến năng suất lao động cao hơn hẳn so với các nước khác – yếu tố thu hút lao động di cư nội khối đến các quốc gia này làm việc. Theo số liệu từ báo cáo của ILO/ADB [2, tr.26], mức lương của Xing-ga-po gấp hơn 30 lần so với mức lương của Cam-pu-chia. Mức lương trung bình hàng tháng của Ma-lai-xia gấp 3 lần In- đô-nê-xia, Phi-líp-pin và Việt Nam. GDP/người và mức lương của từng nước trong khu vực có sự độ chênh lệch rõ rệt (Hình 3.8).
Với sự chênh lệch về nhân khẩu học, với nhu cầu phát triển của từng nước và kéo theo là nhu cầu lao động và chênh lệch về mức lương, mức thu nhập, luồng di cư lao động trong ASEAN được coi là sôi động nhất trên thế giới.
Để lại một bình luận