Luồng di cư lao động trong ASEAN chiếm tỷ lệ cao so với tổng di cư trên toàn cầu trong khối.
Với sự chênh lệch về mức lương và điều kiện sống và do tình hình xã hội cùng với việc có chung biên giới hoặc ở trong cùng khu vực, di cư nội khối chiếm đa số trong tổng số di cư toàn cầu đến các nước ASEAN. Trong tổng số khoảng hơn 9 triệu lao động di chuyển vào ASEAN, các nước thành viên ASEAN chiếm tỷ lệ 88%, tương đương với khoảng 8 triệu người. Dòng di chuyển ra của ASEAN sang các nước ngoài ASEAN chỉ bằng 86% so với dòng di chuyển vào nội khối, và tổng lao động di chuyển của ASEAN chiếm 51% trong tổng số 29.352.339 người.
Có thể thấy nhu cầu lao động trong ASEAN của các nước nhận lao động rất lớn. Riêng ba nước tiếp nhận lao động lớn nhất đã có số lao động di cư có việc làm là trên 5 triệu người, bao gồm Ma-lai-xia 2,2 triệu, Xing-ga-po khoảng 1,4 triệu và Thái Lan 1,47 triệu người (Phụ lục 7).
Một đặc điểm nữa như đã nhắc đến trong phần 2.5.1 của Luận án là việc các nước có chung biên giới và ngôn ngữ di chuyển sang nhau rất nhiều. Trong đó đáng chú ý là nhóm 4 nước In-đô-nê-xia sang Ma-lai-xia (chiếm 78% trong tổng số 1.797.377 lao động có việc làm ở Ma-lai-xia năm 2017) và hai nước này sang Xing-ga-po (Ma-lai-xia chiếm khoảng 44%, In-đô-nê-xia chiếm khoảng 6,4% trong tổng số khoảng 1,3-1,5 triệu lao động đến Xing-ga-po làm việc) và Bru-nây và nhóm 4 nước My-an-ma, Cam-pu-chia, Lào sang Thái Lan (My-an-ma, Cam-pu-chia sang Thái Lan lần lượt chiếm 65% và 17% trong tổng số 2.062.807 người ở Thái Lan năm 2017). Ngôn ngữ là một trong những nhân tố quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho việc di chuyển của người lao động di cư. Riêng Phi-líp-pin và Việt Nam không có lợi thế về ngôn ngữ với các nhóm nước còn lại và tỷ lệ di chuyển trong ASEAN rất thấp so với đi ra các nước ngoài ASEAN (Phụ lục 7 và Phụ lục 8).
Di chuyển lao động kỹ năng giữa các nước ASEAN
Số liệu thu được về di chuyển lao động kỹ năng thường thiếu, phân tán, không hệ thống và không được phân tích theo nghề, theo lĩnh vực.
Xét trong một số nước nhận lao động chính trong ASEAN như Ma-lai-xia và Thái Lan, tỷ lệ người lao động bậc cao di chuyển vào khá thấp, chỉ chiếm có 14% ở Ma-lai-xia và 3% tại Thái Lan. Điều này cho thấy nhu cầu lao động của các nước này chỉ tập trung vào những lao động có tay nghề thấp và trung bình.
Theo ngành nghề của lao động di cư cũng có thể tính toán được mức độ và nhu cầu của các nước nhận lao động chính. Theo đó, tại Thái Lan, trong tổng số 2.062.807 lao động di cư làm việc, có tới 1.882.728 (chiếm 91%) lao động làm các công việc phổ thông, chỉ có 97.700 người làm quản lý (4,6%) và khoảng 61.000 lao động (chiếm khoảng hơn 3%) làm ở vị trí chuyên gia và tương đương.
Cơ cấu lao động theo nghề tại Ma-lai-xia có khả quan hơn một chút. Trong tổng số 2.325.400 lao động di cư làm việc tại Ma-lai-xia năm 2017 có 946.700 lao động phổ thông (40,7%) trong khi quản lý chỉ có 24.000 người (1%) và chuyên gia và tương đương chiếm 3,5% còn lại là các nghề có kỹ năng trung bình hoặc thấp (khoảng 55%). Như vậy, lao động có tay nghề trung bình được Ma-lai-xia sử dụng nhiều hơn nhiều so với Thái Lan.
Những số liệu có được từ những nước đến cũng hầu như đề cập đến lao động kỹ năng thấp: Xing-ga-po – một nước có tỷ lệ người nước ngoài làm việc cao nhất với 35% dân số là người lao động nước ngoài năm 2010 thì lao động kỹ năng và chuyên môn cao cũng chỉ chiếm chưa đến ¼ trong tổng số 1,3 triệu người không phải dân Xing-ga-po đang làm việc vào năm 2012; đối với Malaixia, đa số lao động kỹ năng và chuyên môn cao đến từ ngoài khu vực ASEAN như Ấn Độ, Mỹ, Anh và Úc và dù khoảng ½ người di cư là đến từ nội vùng Thì chỉ khoảng 10% đang làm việc ở những nghề kỹ năng cao [22].
Từ những phân tích trên, có thể kết luận rằng: nhu cầu lao động di cư trong ASEAN là rất lớn trong thời gian vừa qua và có xu hướng tiếp diễn trong tương lai, song lao động có kỹ năng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng cầu lao động nước ngoài của các nước nhận lao động chính với mức lương có độ chênh lệch hơn so với những nước khác còn lại trong khu vực. Tuy nhiên, dường như thị trường lao động bậc cao không phải là cánh cửa mở đối với các lao động di cư trong khu vực.
* Lao động có kỹ năng trong các nghề được tự do di chuyển theo MRAs của ASEAN
Ước tính, lao động có kỹ năng theo MRA chỉ chiếm 0,3% đến 1,4% tổng việc làm tại các nước thành viên (các chuyên gia chỉ có thể ước tính được việc làm trong 7 nhóm nghề, do nghề du lịch không có trong danh mục nghề nghiệp riêng nên không tính toán được tỷ trọng) [2, tr. 102]. Theo mong đợi, những lao động này chủ yếu sẽ có cơ hội tham gia thị trường lao động Xing-ga-po, Ma-lai-xia và Thái Lan do sự chênh lệch về trình độ kinh tế, mức sống và cơ hội việc làm… Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy ASEAN còn lâu nữa mới có thể đạt được mong muốn di chuyển tự do của lao động có kỹ năng, trừ một số điểm sáng trong kênh du lịch. Với tổng số 5.448 chuyên gia đã đăng bạ trở thành chuyên gia ASEAN (Bảng 3.4), hiện nay số chuyên gia đã đăng bạ và được chứng nhận đăng ký (công nhận song phương) di chuyển theo MRA chỉ có 13 người (Phụ lục 4).
Việc ASEAN mở rộng cơ hội và cam kết thúc đẩy di chuyển tự do là mong muốn thúc đẩy xây dựng Cộng đồng hội nhập sâu và rộng về kinh tế, hỗ trợ phát triển cho các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện MRA, đã có rất nhiều điểm khó trong thực tế nảy sinh không theo mong muốn: do trình độ phát triển và hệ thống giáo dục các nước khác nhau, chuẩn đầu ra khác nhau, do các hàng rào kỹ thuật mà các nước đặt ra để bảo vệ thị trường lao động có kỹ năng và lương cao dành cho lao động trong nước; sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá và sự chấp nhận của xã hội…[2, tr. 100-102]. Đây là các rào cản mà các nước cần phải giải quyết trước khi có thể mở rộng cơ hội cho các lao động trong những ngành này. Hơn nữa, ASEAN cũng cần thẳng thắn nhìn lại xem liệu 8 ngành này có thật sự là nhu cầu của ASEAN trong thời điểm hiện nay khi những thoả thuận này đã được đưa ra tới hơn 17 năm và có thể không còn phù hợp với thực tế phát triển của khu vực.
Để lại một bình luận