Tiền thuế nợ NSNN là các khoản tiền thuế tiền phạt chậm nộp và các khoản phải nộp khác theo quy định của pháp luật về thuế mà NNT đã kê khai, cơ quan thuế đã tính thuế hoặc cơ quan thuế đã xác định nghĩa vụ nộp thuế và đã thông báo cho NNT nhưng đã hết thời hạn quy định mà chưa nộp vào NSNN. NNT luôn có ý niệm rằng, việc nộp thuế luôn luôn ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ. Vì vậy, tâm lý chung của người nộp thuế thường có xu hướng trốn hoặc tránh thuế và được coi hành vi tâm lý phổ biến, từ đó dẫn đến các hành động vi phạm pháp luật thuế, trong đó có việc chậm nộp hoặc không nộp số tiền thuế phải nộp vào NSNN theo quy định của pháp luật thuế.
Vì vậy, quản lý nợ thuế là hoạt động cần thiết trong công tác quản lý thuế. Đó là việc quản lý, đôn đốc thu nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế.
Quản lý nợ thuế có vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế và quản lý các hoạt động kinh tế xã hội:
Thứ nhất, quản lý nợ thuế để quản lý, theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ của NNT, đảm bảo các khoản thuế được thu nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN; đảm bảo công bằng xã hội khi các cơ sở kinh doanh cùng phát sinh nghĩa vụ thuế thì phải nộp vào NSNN đúng hạn.
Thứ hai, quản lý nợ thuế để đảm bảo quản lý tốt các khoản thu của Nhà nước, chống thất thoát NSNN. Quản lý nợ đảm bảo các chính sách thuế được thực hiện đúng và triệt để thông qua việc cơ quan thuế có các tác động, can thiệp kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm thời hạn nộp thuế nhằm nâng cao ý thức tuân thủ của NNT.
Thứ ba, việc quản lý nợ thuế để đảm bảo cơ quan thuế có biện pháp thu nợ phù hợp, hiệu quả; mặt khác quản lý nợ là một thước đo để đánh giá hiệu quả của công tác quản lý thu thuế, góp phần nâng cao hiệu quả của các chức năng khác như: thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế.
Để quản lý nợ thuế hiệu quả, một trong các biện pháp quan trọng là cưỡng chế nợ thuế. Cưỡng chế nợ thuế là việc cơ quan thuế sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để thực hiện cưỡng chế thi hành đối với NNT còn nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế quy định của pháp luật thuế.
Cưỡng chế nợ thuế chỉ được thực hiện khi phát sinh các khoản nợ thuế mà cơ quan thuế đã triển khai các biện pháp đôn đốc thu nợ mà vẫn chưa thu hồi được số tiền nợ thuế từ những người nợ thuế và các khoản nợ của NNT đã quá thời hạn nộp thuế. Khi đó, công tác cưỡng chế thuế sẽ phát huy được vai trò thu hồi tiền nợ thuế về cho NSNN.
Cưỡng chế nợ thuế có vai trò tích cực trong việc đảm bảo công tác quản lý thuế nói chung và quản lý nợ nói riêng đạt hiệu quả, thể hiện:
Thứ nhất, cưỡng chế nợ thuế là biện pháp nhằm đảm bảo NNT thực hiện nghiêm luật thuế, đồng thời đảm bảo thu đủ, thu đúng, thu kịp thời tiền thuế vào NSNN.
Thứ hai, cưỡng chế nợ thuế giúp đảm bảo duy trì công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh những NNT chấp hành tốt pháp luật thuế, thực hiện kê khai nộp thuế đúng thời hạn thì không ít NNT có hiện tượng chây ỳ, dây dưa, cố tình trốn hoặc tránh nghĩa vụ nộp thuế, nộp tiền phạt vào NSNN. Tuy cơ quan thuế đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý nợ nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau như các biện pháp còn chưa thực sự phù hợp, chế tài chưa đủ mạnh nên chưa thu hồi đủ số tiền thuế còn nợ vào NSNN, gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, giữa các thành phần kinh tế. Chính vì vậy, việc thu nợ bằng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đóng vai trò quan trọng trong quá trình chống thất thu thuế của NSNN, đảm bảo sự công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế của đối tượng nộp thuế, góp phần thực hiện thu đủ, thu đúng, thu kịp thời số tiền thuế nộp vào NSNN.
Thứ ba, cưỡng chế nợ thuế góp phần nâng cao ý thức về nghĩa vụ thuế của NNT trong việc chấp hành pháp luật thuế, góp phần giảm thiểu số nợ đọng và thực hiện công bằng về nghĩa vụ thuế giữa những NNT.
Như vậy, các nội dung quản lý thuế của cơ quan thuế có đối tượng cụ thể là NNT, theo đó việc quản lý thuế sẽ tác động đến hành vi của NNT trong việc tuân thủ các pháp luật thuế.
Vì vậy, để làm rõ các tác động của quản lý thuế đến hành vi tâm lý của NNT, luận án sẽ tập trung nghiên cứu các tác động của cơ quan thuế đến các hành vi của NNT để nâng cao tính tuân thủ, tự nguyện trong việc thực hiện pháp luật thuế. Tuy vậy, do phạm vi quản lý thuế của cơ quan thuế có liên quan đến các vấn đề chính sách, pháp luật về thuế nên những vấn đề đánh giá thực tiễn và đề xuất kiến nghị giải pháp của luận án sẽ đề cập đến cả những vấn đề chính sách, pháp luật về thuế.
Để lại một bình luận