Nội dung cơ bản của việc ứng dụng CNTT trong quản lý thuế hiện hành ở Tp.HCM trong giai đoạn này bao gồm các nội dung: thực hiện giao dịch điện tử trong quản lý thuế; xây dựng và triển khai chương trình phần mềm hỗ trợ kê khai thuế cho NNT; xây dựng và triển khai quy trình khai thuế và nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế điện tử với sự hỗ trợ của CNTT và mạng Internet; xây dựng và triển khai các chương trình phần mềm trong việc xử lý các nội dung công việc của các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế.
Với cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị máy chủ, máy trạm, hạ tầng truyền thông Tổng cục thuế đã trang bị cho Cục thuế Tp.HCM gồm 12 máy chủ, hàng trăm máy trạm, các thiết bị mạng đi kèm cùng phần mềm hệ thống hỗ trợ vận hành để thực hiện các chức năng: cài đặt tất cả các ứng dụng đang
triển khai và vận hành tại Cục thuế; chứa các cơ sở dữ liệu về quản lý thuế, về quản lý nội bộ ngành thuế và dữ liệu trao đổi với cơ quan bên ngoài; quản lý người dùng của toàn Cục thuế, đảm bảo an toàn bảo mật cho toàn hệ thống; quản lý toàn bộ tài nguyên thuộc mạng; đảm bảo sao lưu, khôi phục dữ liệu khi gặp sự cố; đảm bảo vận hành hệ thống truyền tin từ Chi cục lên Cục thuế, từ Cục thuế lên Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, từ Cục thuế sang Kho bạc nhà nước Tp.HCM an toàn và thông suốt; đảm bảo an toàn hệ thống nội bộ ngành thuế khi kết nối ra Internet, ngăn chặn truy cập bất hợp pháp từ bên ngoài vào hệ thống nội bộ ngành thuế; đảm bảo việc trao đổi thông tin giữa những người trong ngành thuế với nhau và với người ở ngoài thông qua hệ thống thư tín điện tử.
Đối với các Chi cục thuế, theo phân loại của Tổng cục thuế thì các Chi cục thuế trên địa bàn Tp.HCM được xác định là Chi cục thuế lớn do quản lý số lượng đối tượng nộp thuế lớn (từ khoảng 500 doanh nghiệp trở lên và khoảng 4.000 – 5.000 hộ cá thể trở lên); hoặc có số thu lớn từ 150 – 200 tỷ một năm trở lên. Các Chi cục thuế trên địa bàn Tp.HCM được triển khai và vận hành cùng một hệ thống CNTT. Đặc điểm của hệ thống này là các ứng dụng được xây dựng theo chính sách thuế, theo Luật quản lý thuế, theo các quy trình nghiệp vụ để phục vụ công tác quản lý thuế theo 4 chức năng chính của ngành thuế: tuyên truyền hỗ trợ; kê khai và kế toán thuế; quản lý thu nợ; thanh tra, kiểm tra. Tất cả các ứng dụng đều chạy trên mạng cục bộ của Cục thuế. Tất cả người sử dụng truy cập vào hệ thống ứng dụng này đều phải thông qua ứng dụng Bảo mật và phân quyền người sử dụng. Các ứng dụng có mối liên kết chặt chẽ với nhau về dữ liệu và quy trình nghiệp vụ, do vậy để triển khai ứng dụng phục vụ công tác quản lý thuế có hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong cơ quan thuế.
Giai đoạn 2010-2018, trong điều kiện thiếu hụt nguồn nhân lực so với yêu cầu quản lý và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách hàng năm, cụ thể: Cục thuế Tp.HCM quản lý hơn 200.988 doanh nghiệp và 242.288 hộ kinh doanh cá thể và hàng triệu người nộp thuế TNCN. Trước yêu cầu số lượng đối tượng quản lý thuế phát sinh tăng, giảm, ngưng nghỉ, bỏ trốn, di chuyển rất lớn nên công việc đối chiếu, xác minh, giải quyết các thủ tục hành chính cho đối tượng này mất rất nhiều thời gian. Do đó, công tác cải cách hành chính hướng dẫn kê khai theo phương thức điện tử là giải pháp hữu hiệu, tác động mạnh lên công tác quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Cục thuế Tp. HCM đã mở rộng nộp thuế điện tử và hoàn thuế điện tử. Hoạt động ứng dụng CNTT vào công tác quản lý thuế là hoạt động quan trọng nhất của cải cách hành chính. Hiện nay, Cục thuế Tp.HCM đã triển khai và đang sử dụng các ứng dụng tin học phục vụ công tác quản lý thuế; quản lý nội bộ ngành; các ứng dụng phục vụ công tác trao đổi thông tin với cơ quan bên ngoài và phục vụ công tác hỗ trợ NNT. Trong thời gian tới, Cục thuế Tp.HCM sẽ tiếp tục triển khai mở rộng ứng dụng khai thuế qua mạng Internet; triển khai diện rộng ứng dụng quản lý trước bạ nhà, trước bạ xe, ứng dụng quản lý tiền thuê đất cho phòng quản lý các khoản thu từ đất và 24/24 chi cục thuế.
Đối với việc ứng dụng CNTT cho quản lý thuế TNCN, Cục thuế TP.HCM đã tiến hành nhiều hình thức hỗ trợ nhưng số lượng hồ sơ khai thuế tăng bình quân năm sau so với năm trước là gần 10.000 hồ sơ, số lượng hồ sơ quyết toán thuế TNCN tăng bình quân năm sau so với năm trước là 32.000 hồ sơ, tính trung bình ngày là 2.000 hồ sơ. Do đó, nếu không ứng dụng CNTT thì phải dừng cả bộ máy quản lý thuế để phục vụ công tác nhận hồ sơ quyết toán cũng không thể hoàn thành kịp tiến độ [15].
Nhìn chung, công tác tổ chức hệ thống ứng dụng CNTT vào quản lý thuế tại TP.HCM đã thu được nhiều kết quả tích cực đáng khích lệ.
Để lại một bình luận