Cơ sở hạ tầng
Hiện nay, phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam nhìn chung vẫn còn thiếu, chất lượng chưa cao, điều này gây trở ngại cho sự phát tri ển chung của nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu. Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 – 2018 của WEF, Việt Nam vẫn xếp hạng 79/137 nước được so sánh, chỉ tăng 2 bậc so với năm 2014. Mặc dù đã có những cải thiện song kết cấu cơ sở hạ tầng của Việt Nam không đồng bộ, vẫn còn yếu kém khiến hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa, kết cấu hạ tầng giúp cho việc lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn, hiện đại hóa quá trình sản xuất và là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Hiện nay, phần lớn các trục đường bộ nối các vùng kinh tế trong cả nước từ Bắc đến Nam, từ Đông sang Tây để đảm bảo cho việc thông thương hàng hóa đã được hình thành. Tính đến nay, 950 km đường bộ cao tốc trong nước đã hoàn thành, nhiều tuyến đường, các cây cầu đã đưa vào sử dụng như cao tốc Hà Nội.
– Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh – Vũng Tàu, cầu Nhật Tân, cầu Cần Thơ… giúp thời gian vận chuyển hàng hóa giảm từ 30% đến 50%. Đối với hệ thống giao thông đường biển, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải tính đến tháng 12/2017, nước ta có 251 bến cảng với khoảng 88 km chiều dài cầu cảng, khả năng thông quan khoảng 543,7 triệu tấn hàng/năm cùng với đó là việc đầu tư vào các máy móc tự động hóa để quá trình vận chuyển, bốc dỡ hàng dễ dàng hơn, thay thế phần nào sức lực của con người. Mạng lưới đường sắt của Việt Nam có chiều dài 2653 km tuyến chính, tuy nhiên trong đó chỉ có 6,67% đạt chuẩn quốc tế, kỹ thuật đường sắt đi sau nhiều so với thế giới, điều này làm tốc độ và hiệu quả chạy của tầu bị hạn chế. Với vị trí nước ta có chiều dài và hẹp, lẽ ra vận chuyển bằng đường sắt phải chiếm ưu thế trong vận chuyển hàng hóa đường dài nhưng trên thực tế, thị phần vận tải của ngành này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ dưới 2%. Giao thông hàng không cũng đóng góp đáng kể trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các vùng trong cả nước và phục vụ cho hoạt động xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Hiện cả nước có 21 sân bay đang được sử dụng, trong số đó có 8 sân bay quốc tế nhưng đa số các sân bay có quy mô còn hạn chế, chưa có sân bay nào là đầu mối hàng không quan trọng của Việt Nam và khu vực. Hạ tầng điện, nước, thông tin liên lạc… đã có thay đổi, đảm bảo duy trì và phát tri ển hoạt động sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu.
Tuy vậy, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ, chưa có sự đồng bộ và chưa tạo được sự kết nối, việc đáp ứng nhu cầu giao thông và đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông còn khó khăn.Vấn đề bất cập hiện nay đó là sự thiếu đồng bộ giữa cảng biển với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển, thiếu vắng các trung tâm logistics đặt tại những vị trí thuận lợi làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu đồng bộ là do mức đầu tư không hợp lý.
Khi hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ kích thích hoạt động trao đổi thương mại hàng chế biến của Việt Nam với các nước trên thế giới nói chung và thị trường EU nói riêng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế. Trái lại, hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển là một cản trở lớn đối với sự phát triển nói chung và hoạt động sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu nói riêng. Do vậy, để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu hàng chế biến, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Để lại một bình luận