1. Cơ hội (Opportunities)
Bản thân những xu thế kinh tế toàn cầu nói trên đã mở ra cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên, có thể nhấn mạnh một số cơ hội điển hình sau:
– Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện thuận lợi trước hết đối với doanh nghiệp, bởi lẽ:
Phân công lao động quốc tế sâu sắc đang thúc đẩy mỗi nước khai thác được tốt nhất lợi thế của mình về các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực và tài nguyên.
– Khoa học – công nghệ phát triển mạnh. Điều đó giúp cho các doanh nghiệp có thể lựa chọn được công nghệ phù hợp nhất, hiệu quả nhất góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
– Môi trường hoạt động không ngừng mở rộng sẽ giúp cho mỗi doanh nghiệp tranh thủ được nhiều điều kiện thuận lợi ở trong và ngoài nước nhằm xây dựng các chiến lược Marketing quốc tế có hiệu quả cao hơn.
– Thị trường mở rộng, doanh nghiệp tiếp cận được nhiều nhóm khách hàng với nhu cầu phong phú và đa dạng hơn, từ đó có nhiều cơ hội cho việc đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.
– Marketing quốc tế có nhiều thuận lợi để quảng bá và ứng dụng trên nhiều bình diện như Marketing xuất khẩu hàng hoá, Marketing dịch vụ, Marketing đầu tư… Doanh nghiệp sẽ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức quản lý công ty, kinh nghiệm nghiên cứu thị trường và kế hoạch hoá chiến lược, đặc biệt là kinh nghiệm xây dựng chiến lược marketing-mix quốc tế.
2. Thách thức (Threats)
Cùng với cơ hội, bản thân doanh nghiệp quốc tế cũng phải đối phó với rất nhiều thách thức mới, nhiều rủi ro và hiểm hoạ, đơn cử như:
– Thách thức trong cạnh tranh toàn cầu mở rộng và khốc liệt hơn. Điều đáng nói trước hết ở đây là các đối thủ cạnh tranh nhiều hơn, thế lực cạnh tranh toàn cầu mạnh hơn, công cụ cạnh tranh và thủ đoạn cạnh tranh đa dạng, phức tạp hơn.
– Thách thức về thị trường gay gắt hơn. Do mức sản xuất tăng nhanh nên cung có xu hướng vượt cầu. Vì vậy, những đòi hỏi của thị trường nhất là ở các nước phát triển, ngày càng chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn. Đòi hỏi trước hết là chất lượng sản phẩm. Nhưng ngày nay chất lượng là chưa đủ. Cùng với chất lượng tốt, khách hàng còn đòi hỏi sản phẩm phải đạt chi phí thấp, giá cả hợp lý, dịch vụ hoàn hảo, thời hạn giao hàng phải chính xác, kênh phân phối phải tịên lợi…
– Thách thức về công nghệ trong việc nghiên cứu, phát minh và ứng dụng trên toàn cầu. Trong cơn lốc của cách mạng công nghệ, các doanh nghiệp ở các ở các nước phát triển đang và sẽ phải nỗ lực cao để giành giật sự vượt trội và độc quyền công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp ở các nước chậm phát triển phải tìm ra được bước đột phá hữu hiệu nhằm đẩy lùi nguy cơ tụt hậu về công nghệ.
– Thách thức về nguồn nguyên liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là nguồn năng lượng dầu mỏ. Đây là một trong những điểm nóng nhất, sức ép lớn nhất đối với tất cả các nước nhằm phát triển kinh tế lâu dài và ổn định của mình.
– Thách thức về tài chính nói chung và vốn đầu tư cho phát triển nói chung. Đây chính là một trong những điều bức xúc nổi bật đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ ở các nước chậm phát triển.
– Thách thức về môi trường tự nhiên do đang bị huỷ hoại nghiêm trọng hiện nay trên quy mô toàn cầu. Đó là hậu quả của sự khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, thiếu kế hoạch ở hàng loạt nước trong nhiều năm qua, dẫn tới sự phá vỡ môi trường sinh thái và những thảm hoạ liên tiếp như động đất, sóng thần, lụt bão…
Để lại một bình luận