Tồn tại một quy luật trong cuộc sống và sinh hoạt đời thường là, giữa mức thu nhập và chi tiêu của các tác nhân kinh tế không phải bao giờ cũng có sự ăn khớp với nhau cả về mặt thời gian cũng như định lượng. Tại một thời điểm nào đó, khi một tác nhân kinh tế có nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi chưa cần sử dụng, tác nhân này sẽ có nhu cầu cho vay các tác nhân khác trong hệ thống tài chính. Trái lại, tại một thời điểm khác, khi nhu cầu chi tiêu và đầu tư vượt quá các nguồn thu nhập hiện tại, tác nhân kinh tế này sẽ trở thành tác nhân đi vay trên thị trường tài chính. Như vậy, trong một nền kinh tế tiền tệ, nhu cầu trao đổi, mua bán các nguồn vốn tiền tệ là nhu cầu thiết yếu. Và chính đó là lý do tồn tại của thị trường tài chính và hệ thống tài chính.
Hệ thống tài chính là tập hợp tất cả các loại thị trường tài chính, các định chế tài chính, các luật lệ, quy tắc, các kỹ thuật để tạo lập, phân phối, định giá, mua bán, trao đổi các sản phẩm và dịch vụ tài chính giữa các tác nhân kinh tế (doanh nghiệp, hộ gia đình, chính phủ) trong nền kinh tế. Là một trong những phát minh quan trọng nhất của xã hội hiện đại, hệ thống tài chính có nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp các kênh dẫn vốn để chuyển tải các quỹ cho vay khan hiếm từ những người tiết kiệm – tác nhân cho vay – sang những người cần tiền – tác nhân đi vay – để đầu tư sản xuất hoặc mua sắm hàng hoá dịch vụ.
Trong nền kinh tế hiện đại, tầm quan trọng của hệ thống tài chính thể hiện ở việc thực hiện các chức năng cơ bản sau đây:
– Thứ nhất, hệ thống tài chính tạo ra những công cụ tài chính để chuyển dịch rủi ro từ những người tiết kiệm (hoặc người cho vay) – người không thích sự không chắc chắn về lợi tức hoặc các khoản thanh toán – sang mhững người tiết kiệm hoặc những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Bằng việc cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều loại tài sản tài chính để nắm giữ, thay vì chỉ nắm giữ một loại tài sản tài chính, nhà đầu tư thích có sự ổn định về số lợi tức thu được có thể phân bổ số của cải hiện có của mình trong tập hợp các tài sản tài chính khác nhau để phân tán rủi ro. Mặc dù kết quả đầu tư vào một tài sản tài chính này có thể là tốt và tài sản kia có thể là không tốt lắm nhưng tính chung, thông thường tổ hợp các tài sản (danh mục đầu tư) được chọn bao giờ cũng có mức lợi tức trung bình.
– Thứ hai, cùng với việc tạo ra các tài sản tài chính, hệ thống tài chính cung cấp một hệ thống giao dịch để gia tăng tính lưu chuyển (liquidity) của các tài sản tài chính. Theo quan điểm của người có tiền nhàn rỗi, tính lưu chuyển của tài sản được xem là một lợi ích bởi vì không ai muốn vốn đầu tư của mình bị bất động vào một loại tài sản nhất định. Bằng cách tạo ra các tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, tài khoản tiền giửi không kỳ hạn, thị trường tài chính cho phép nhà đầu tư nắm giữ các tài sản tài chính thích ứng nhanh nhạy với những cơ hội đầu tư mới hoặc những sự kiện bất trắc, không dự đoán trước hơn là những nhà đầu tư phân bố tài sản của mình vào bất động sản, nhà máy, máy móc thiết bị bởi vì, bán một tài sản tài chính để mua tài sản khác hoặc mua hàng hoá bao giờ cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn.
– Thứ ba, hệ thống tài chính còn có chức năng khác là tập hợp thông tin và cung cấp thông tin. Những thông tin mà hệ thống tài chính tập hợp và cung cấp là những thông tin hữu ích đối với người tiết kiệm lẫn người có nhu cầu vay mượn. Khi thực hiện chức năng tập hợp thông tin, hệ thống tài chính xác định các thông tin về những người có nhu cầu vay mượn trong tương lai và mục đích sử dụng nguồn ngân quỹ vay mượn này. Những thông tin này rất hữu ích đối với người có tiền nhàn rỗi để cân nhắc trước khi quyết định cho vay nhằm bảo vệ các khoản đầu tư của mình. Để có được những nguồn thông tin này những người muốn đầu tư riêng rẽ (cho vay) số tiền tiết kiệm của mình phải mất chi phí giao dịch (kể cả thời gian). Đôi khi thu nhập mang lại do cho vay trực tiếp có thể không đủ trang trải các phí giao dịch nay. Thông qua hệ thống tài chính chi phí giao dịch sẽ được giảm thiểu một cách đáng kể bởi vì quy mô giao dịch lớn sẽ cho phép có được mức tiết kiệm do khối lượng giao dịch lớn (economies of scale).
Dịch vụ thông tin thứ hai mà hệ thống tài chính cung cấp là cung cấp thông tin. Bằng cách chuyển tải các thông tin về tình trạng tài chính của các doanh nghiệp vào trong giá cả và mức sinh lời của các công cụ tài chính, thị trường tài chính cho phép người đi vay và người cho vay có đủ cơ sở để đưa ra các quyết định của mình.
Để lại một bình luận