Chủ thể thực hiện marketing địa phương là các tác nhân tham gia vào hoạt động marketing của địa phương đó. Phát triển trên quan điểm của marketing hiện đại, marketing địa phương không đơn thuần được thực hiện bởi một (một số) chủ thể riêng biệt nào, mà cần phải được tất cả mọi thành phần thuộc vùng địa phương đó thực hiện, bao gồm từ cấp chính quyền Trung ương đến người dân địa phương.
Việc phân loại chủ thể tham gia vào marketing địa phương là cần thiết nhằm nắm bắt được mức độ quan trọng và mức độ ảnh hưởng của từng chủ thể trong tổng thể chung. Trên cấp độ phạm vi quốc gia, chủ thể thực hiện marketing địa phương được phân chia theo hai cấp là trung ương và địa phương.
Trên phạm vi quốc tế, chủ thể thực hiện marketing địa phương cũng được phân chia theo hai cấp là quốc tế và quốc gia.
Có nhiều tiêu chí để phân loại, tuy nhiên, các chủ thể tham gia vào marketing địa phương có thể được phân loại và nhóm thành các nhóm như sau:
Các nhà chức trách và quản lý địa phương, ban, ngành chủ quản – gọi chung là các cơ quan chính quyền quản lý nhà nước địa phương
Trên phạm vi quốc gia, chủ thể này là nhóm các cơ quan quản lý nhà nước như Chính phủ và các Bộ; và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Sở ban ngành trên phạm vi địa phương, trong một quốc gia.
Đây là nhóm có chức năng quản lý hành chính về khu vực địa phương nhằm tạo ra sự an toàn, môi trường kinh doanh lành mạnh và ổn định. Tầm nhìn, đạo đức, năng lực của nhóm chủ thể này quyết định mức độ hấp dẫn, cởi mở và an toàn đối với cư dân, khách du lịch và các chủ đầu tư khi đến, lưu trú tại một địa phương.
Các chủ thể thuộc nhóm này giữ vai trò định hướng chiến lược và có tác động mạnh mẽ không chỉ đến các hoạt động marketing địa phương mà còn đến tất cả các hoạt động nhằm phát triển khu vực như hệ thống giao thông, viễn thông liên lạc, đầu tư, cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo hay vui chơi giải trí. Vì vậy, nhóm chủ thể có vai trò quyết định sự phát triển tương lai của khu vực đó.
Các tổ chức công cộng
Trên phạm vi khu vực và toàn cầu, chủ thể này là nhóm các tổ chức chính quyền thực hiện chức năng quản lý và điều hành các khu vực đó, như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Âu (EU)… và các tổ chức xã hội phi lợi nhuận trên phạm vi quốc tế.
Đây là nhóm có chức năng quảng bá về môi trường kinh doanh và mức độ hấp dẫn, cởi mở, an toàn đối với cư dân, khách du lịch và các chủ đầu tư khi đến, lưu trú tại một địa phương.
Các chủ thể thuộc nhóm này giữ vai trò hỗ trợ, thúc đẩy chiến lược và có tác động khá quan trọng đến các hoạt động marketing địa phương.
Cộng đồng doanh nghiệp đóng trên địa phương
Cộng đồng các doanh nghiệp đóng trên địa bàn địa phương, bao gồm các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế trong nước (DNNN và DNTN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là nhóm tạo ra việc làm, thu hút nhân công từ nơi khác đến định cư tại địa phương, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển. Khoản thuế thu được từ khu vực kinh tế tư nhân là nguồn ngân sách có giá trị giúp xây dựng phúc lợi xã hội, lợi ích công cộng cho địa phương. Đồng thời, đây là khu vực luôn vận động thay đổi, cập nhật và ứng dụng những giá trị mới trong sản xuất – kinh doanh và hoàn thiện dịch vụ cho địa phương.
Với vai trò tạo ra các giá trị thặng dư kinh tế cho địa phương, khu vực kinh tế tư nhân vừa là chủ thể trực tiếp thụ hưởng kết quả của hoạt động marketing địa phương thu hút đầu tư quốc tế. Đồng thời, khu vực kinh tế tư nhân cũng hỗ trợ nâng cao hình ảnh địa phương cho mục tiêu thu hút nhà đầu tư. Nhóm chủ thể này là mặt biểu hiện, thể hiện sự phát triển và sức mạnh của nền kinh tế địa phương. Họ giữ vai trò như tác nhân thực hiện chức năng quảng bá hình ảnh, tính hấp dẫn của địa phương đến các đối tượng khách hàng.
Cộng đồng dân cư
Đây là nhóm chủ thể có số lượng đông đảo nhất tại mỗi địa phương, bao gồm: Các tổ chức đoàn thể, các Hiệp hội xã hội và cộng đồng dân cư. Các tổ chức đoàn thể như: Đảng cộng sản, Đoàn thanh niên, Công đoàn, Hội liên hiệp phụ nữ…; các Hiệp hội xã hội như: Hiệp hội doanh nghiệp, Hội bảo vệ người tiêu dùng, Hội bảo vệ môi trường, Tổ chức hòa bình xanh, Hội bảo vệ động vật… Cộng đồng dân cư bao gồm người dân địa phương, người nhập cư di chuyển từ vùng khác tới sinh sống và định cư, khách du lịch tham quan.
Cộng đồng dân cư là đối tượng trực tiếp thụ hưởng các chương trình phúc lợi xã hội, việc làm, dịch vụ… của địa phương. Số lượng người dân địa phương vẫn sinh sống, làm việc tại địa phương và số lượng người dân nhập cư đến thể hiện mức độ hấp dẫn về việc làm và an sinh xã hội của mỗi địa phương. Tất cả nhóm công chúng này hiện diện và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình tại địa bàn cư trú và tất yếu sẽ có những tác động không nhỏ đến các đối tượng khách hàng.
Đây là nhóm chủ thể không trực tiếp thực hiện việc soạn thảo và thực hiện các chương trình marketing địa phương nhưng họ lại gián tiếp hỗ trợ để các hoạt động marketing đó vận hành dễ dàng, thuận lợi hơn.
Để lại một bình luận