Chính sách tài khóa là các biện pháp can thiệp của Chính phủ thông qua hệ thống thuế và chi tiêu của Chính phủ nhằm đạt các mục tiêu kinh tế vĩ mô như: tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, ổn định tiền lương, giá cả…Trong giai đoạn 2007-2017 chính sách tài khóa đã được được điều chỉnh một cách chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Để ổn định, tăng trưởng kinh tế Chính phủ đã thực hiện điều hành theo hướng thực hiện nghiêm túc các khoản mục thu, tiết kiệm chi và giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Số liệu tại Phụ lục 4 cho thấy giai đoạn 2007-2017, Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc các khoản thu, tiết kiệm các khoản chi. Tổng các khoản thu NSNN tăng dần từ năm 2007-2017, từ 366,5 nghìn tỷ đồng năm 2007 lên 1.283 nghìn tỷ đồng năm 2017. Tổng các khoản chi tăng từ năm 2007-2017 nhưng có tốc độ tăng chậm hơn so với tăng thu NSNN, điều này là do Chính phủ đã thực hiện các chính sách như cải cách hành chính, giảm biên chế, gọn bộ máy hành chính… Sự thắt chặt chi tiêu công của Chính phủ sẽ làm giảm đầu tư trong thị trường bất động sản và giảm thu nhập, tiết kiệm của dân cư nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với đầu tư chứng khoán.
Sự tương quan giữa Vn-Index và chi NSNN năm 2007-2017 được thể hiện với Biểu đồ 2.22 trên. Chúng ta có thể thấy có rất ít liên hệ giữa tổng chi ngân sách nhà nước với VN Index. Tuy nhiên, nếu xem xét tính chất các khoản chi ngân sách cụ thể trong mối với tương quan với chỉ số VN Index thì mối quan hệ tương quan của chúng là khác nhau.
Cụ thể, chi đầu tư phát triển có mối tương quan khá gần với VN Index (Biểu đồ 2.23). Trong khi đó tương quan giữa chi trả nợ trong cơ cấu chi NSNN với VN Index có sự vận động trái chiều.
Như vậy, chính sách tài khoá và chi tiêu công có tác động tới đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư, tới thị trường chứng khoán. Chi NSNN có sự tương quan với chỉ số giá chứng khoán Vn-Index. Khi chi tiêu ngân sách tăng lên sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán cả ngắn hạn và dài hạn. Chi NSNN tăng lên sẽ làm cho chỉ số giá chứng khoán giảm. Điều này là do khi NSNN bội chi thì Chính phủ phải vay thêm tiền để bù đắp bội chi NSNN bằng việc phát hành chứng khoán do đó tăng cung chứng khoán. Mặt khác, để bù đắp bội chi NSNN, Chính phủ có thể sẽ thực hiện chính sách tăng thuế và có tác động tiêu cực tới cá nhân, doanh nghiệp, tới nền kinh tế. Những vấn đề này sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán, tới sự phát triển kinh tế. Do đó chính sách của Chính phủ là tiết kiệm chi ngân sách, kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, tránh tình trạng thâm hụt NSNN.
Để lại một bình luận