Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương về việc đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó yêu cầu NSNN chi cho GD&ĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện phân bổ chi thường xuyên NSĐP đảm bảo dành 20% chi NSĐP cho giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, đối với chi ĐTPT, do khả năng nguồn lực còn hạn chế trong khi khối lượng các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh liên quan đến các lĩnh vực còn nhiều, giai đoạn 2011-2017, vốn đầu tư cấp tỉnh của tỉnh Thanh Hóa ưu tiên dành nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và một số cơ sở đào tạo, vốn ĐTPT dành cho đầu tư cơ sở vật chất các cơ sở GDCL rất thấp. Vốn ĐTPT cấp huyện, xã (chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất điều tiết ngân sách huyện, xã) sử dụng để đầu tư xây dựng các trường mầm non, tiểu học và THCS thuộc nhiệm vụ chi của cấp huyện, xã.
Chi ĐTPT thuộc NSĐP cho GDCL tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2011-2017 tuy có tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng chi ĐTPT cho GDCL trong tổng chi ĐTPT cân đối NSĐP còn thấp (chiếm từ 6,2-8,7% tổng chi ĐTPT cân đối NSĐP). Trong đó, chủ yếu là chi ĐTPT từ nguồn thu tiền sử dụng đất ở cấp huyện, xã. Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh chủ yếu dành cho các dự án đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế – xã hội thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, nông nghiệp… Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chủ yếu đầu tư một số dự án xây dựng cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh.
Do đặc thù tỉnh Thanh Hóa là địa bàn rộng, dân số cao nên nhu cầu kinh phí thực hiện các hoạt động thường xuyên của ngành giáo dục (chi duy trì hoạt động các cơ sở GDCL, chi thực hiện các chế độ, chính sách của ngành giáo dục…) nên chi ĐTPT chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (từ 7,7-11%) trong tổng chi NSĐP cho GDCL. Trong đó, vốn ĐTPT trong cân đối lại chủ yếu tập trung ở ngân sách huyện, xã với tỷ lệ khoảng 90% tổng chi ĐTPT cho GDCL.
Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục thường là dự án đầu tư có quy mô nhỏ, do đó, việc bố trí vốn đầu tư thực hiện thường được thực hiện trong 2-3 năm kể từ khi dự án được phê duyệt đến khi quyết toán hoàn thành.
Kế hoạch vốn ĐTPT thuộc NSĐP giai đoạn 2011-2015 được lập hằng năm, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị có nhu cầu đầu tư nhưng chưa thể hiện rõ vai trò của ngành giáo dục. Sở KH&ĐT là cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư; xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí thực hiện các dự án đầu tư trong các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục. Sở GD&ĐT chỉ tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư theo đề nghị của Sở KH&ĐT. Đối với các dự án ĐTPT thuộc lĩnh vực giáo dục ở cấp huyện, UBND cấp huyện chủ động phê duyệt các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý.
Bước sang giai đoạn 2016-2020, việc quản lý, phân bổ và sử dung vốn ĐTPT thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN. Các dự án đầu tư được đề xuất và tổng hợp trong kế hoạch đầu tư công trung hạn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Trong năm 2016-2017, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tiếp tục được ưu tiên bố trí vốn đầu tư, các trường phổ thông, mầm non công lập đa số được bố trí vốn nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp huyện, xã; tiết kiệm kinh phí SNGD trong dự toán ngân sách các cấp và từ các chương trình mục tiêu do Trung ương ban hành.
Mặc dù điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, nhu cầu chi đầu tư cơ sở hạ tầng lớn với nhiều lĩnh vực cần ưu tiên (các công trình phục vụ nông nghiệp, các công trình giao thông….) nhưng với mục tiêu ưu tiên đầu tư cho GDCL, tỉnh Thanh Hóa đã kết hợp đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục từ nhiều nguồn khác nhau (vốn ĐTPT, tiết kiệm kinh phí SNGD, nguồn trung ương bổ sung thực hiện các chương trình mục tiêu…), cơ sở vật chất ngành giáo dục đã từng bước được cải thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu về phòng học cho các cấp học. Tỷ lệ phòng học/lớp học tăng dần ở khối mầm non và tiểu học, đảm bảo nhu cầu sử dụng phòng học, giảm tình trạng học 2 ca/ngày ở cấp tiểu học. Tỷ lệ phòng học kiên cố cũng tăng lên qua các năm, đặc biệt là khối các trường mầm non do thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ và đầu tư của các huyện để đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình, kế hoạch đã đăng ký.
Để lại một bình luận