Để nghiên cứu CTV mục tiêu thì trước hết cần tiếp cận khái niệm CTV tối ưu, bởi lẽ hai thuật ngữ này có mối liên hệ nhất định. CTV tối ưu lần đầu tiên được đề cập trong Lý thuyết truyền thống về CTV tối ưu (Optiomal Capital Structure). Theo lý thuyết này, luôn tồn tại một CTV tối ưu cho phép tối đa hóa giá trị doanh nghiệp bằng cách kết hợp giữa nợ và VCSH theo một tỷ lệ nhất định giúp tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn bình quân (Durand, 1952; Ross và ctg, 2003; Paramasvan và Subramania, 2008). Mặc dù, quan điểm này được phát biểu dựa trên một số giả định không tồn tại trong thực thế nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của các tác giả như Solomon và Weston.
Quan điểm về CTV tối ưu cũng được đề cập trong Lý thuyết TOT tĩnh. Theo Kraus và Litzenberger (1973), Jensen và Meckling (1976), Jensen (1986), trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp dễ dàng và nhanh chóng đạt được CTV tối ưu mà tại đó, diễn ra một sự đánh đổi giữa lợi ích về thuế của nợ vay và chi phí kiệt quệ tài chính (lợi ích cận biên cân bằng với chi phí cận biên). Ngoài ra, theo quan điểm này, trong suốt thời gian hoạt động, doanh nghiệp chỉ có một CTV tối ưu duy nhất.
Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có khả năng xác định được tất cả các khoản chi phí, đặc biệt chi phí kiệt quệ tài chính. Chỉ có những loại chi phí kiệt quệ tài chính trực tiếp liên quan đến quá trình phá sản như chi phí luật sư, chi phí pháp lý mới có thể quan sát và xác định được. Còn các loại chi phí kiệt quệ tài chính gián tiếp khác như chi phí do mất cơ hội đầu tư (mất khách hàng, mất nhà cung cấp, mất nhân viên giỏi, mất thời gian…) rất khó quan sát và xác định cụ thể.
Mặt khác, CTV chịu sự ảnh hưởng bởi các biến động của yếu tố vi mô cũng như vĩ mô, khi các biến này thay đổi có thể tác động đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh và giá cổ phiếu của doanh nghiệp. Do đó, việc xác định CTV tối ưu cho một giai đoạn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp (điều này được giải thích chi tiết Mục 2.1.1.4). Vì vậy, các doanh nghiệp thường xác định một con số hoặc khoảng CTV mục tiêu và xem như đây là CTV tối ưu mà doanh nghiệp cần phải thiết lập nhằm gia tăng giá trị doanh nghiệp (Brigham và Houston, 2009). Vì vậy, theo Brigham và Houston (2009), CTV mục tiêu là việc kết hợp giữa nợ vay, vốn cổ phần ưu đãi và cổ phần phổ thông mà doanh nghiệp có kế hoạch để huy động khi cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng giá trị doanh nghiệp.
Xác định CTV tối ưu là vấn đề không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh bất ổn khi nền kinh tế đang phục hồi chưa bền vững, môi trường kinh tế vĩ mô còn biến động nhiều. Do đó, trong phạm vi của luận án, tác giả tập trung xác định CTV mục tiêu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, luận án chia sẻ quan điểm về CTV mục tiêu của Brigham và Houston (2009). Theo tác giả này, CTV mục tiêu là việc kết hợp giữa nợ, vốn cổ phần ưu đãi, và vốn cổ phần thường tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng giá trị doanh nghiệp.
Tóm lại, qua các định nghĩa nêu trên cho thấy có mối liên hệ giữa các định nghĩa về CTV, CTV tối ưu và CTV mục tiêu. Tuy nhiên, CTV là sự kết hợp giữa VCSH và nợ phải trả (bao gồm NNH và NDH) mà một doanh nghiệp sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của mình, bất kỳ doanh nghiệp nào có sử dụng nợ đều có khả năng tính toán được chỉ tiêu này. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều có hai mục tiêu chung – ngắn hạn là tối đa hóa hiệu quả hoạt động và dài hạn tối đa hóa giá trị công ty (Matari và cộng sự, 2014). Chính điều này làm cho các nhà quản trị cần phải thực hiện nhiều biện pháp để đạt được hai mục tiêu trên, trong đó việc lựa chọn CTV tối ưu nhằm tối thiểu hóa chi phí vốn, và tối đa hóa giá trị doanh nghiệp là biện pháp quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, CTV cũng như CTV tối ưu ngoài sự tác động của các yếu tố vi mô còn chịu sự tác động của các yếu tố vĩ mô, các yếu tố này biến động liên tục.
Do đó, việc xác định CTV tối ưu không phải là điều dễ dàng. Vì vậy, doanh nghiệp thường đặt ra cho mình ngưỡng hoặc khoảng CTV mục tiêu mà tại đó làm tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng giá trị doanh nghiệp, gọi là CTV mục tiêu. Tuy nhiên, CTV mục tiêu này cũng sẽ thay đổi theo thời gian, mỗi CTV mục tiêu chỉ thể hiện phù hợp với giai đoạn này nhưng không phù hợp với giai đoạn khác. Mặt khác, sự biến động trong môi trường kinh doanh có thể làm cho CTV thực tế của doanh nghiệp rời xa CTV mục tiêu đã xác định, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô, cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tài sản, thị trường tiêu thụ, tốc độ tăng trưởng, … nhằm đạt được CTV theo mục tiêu đã xác định. Do đó, phạm vi nghiên cứu của luận án ngoài việc xác định CTV mục tiêu của các doanh nghiệp Việt Nam thì việc xác định các yếu tố vi mô và vĩ mô tác động đến quá trình điều chỉnh cũng như việc lựa chọn CTV để đạt được CTV mục tiêu của doanh nghiệp cũng là điều cần thiết.
Để lại một bình luận