Thực hiện chủ trương đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ 6, hai pháp lệnh ngân hàng được công bố ngày 24/5/1990 là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ của ngân hàng: “Từ Ngân hàng một cấp thành Ngân hàng hai cấp: Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Ngân hàng thương mại (NHTM). NHNN Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và là ngân hàng Trung Ương. Hệ thống NHTM với chức năng kinh doanh, hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ”. Qua thực tiễn đã yêu cầu đưa hoạt động Ngân hàng vào khuôn khổ pháp luật cao hơn, hai pháp lệnh Ngân hàng đã được tổng kết, nâng lên thành hai Luật Ngân hàng nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/10/1998. Cấu trúc và thực trạng hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 được thể hiện qua một số điểm chính như sau:
Về cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam
Sau thời gian gia tăng nhanh chóng số lượng các ngân hàng ở giai đoạn 2007- 2010, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và những yếu kém của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tiến hành tái cấu trúc theo đề án 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 của thủ tướng chính phủ “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”. Đã có 02 vụ hợp nhất ngân hàng và 06 vụ sáp nhập các NHTM. Ngân hàng nhà nước trong năm 2015 cũng đã mua 03 NHTM CP yếu kém (Ngân hàng xây dựng, Ngân hàng đại dương, Ngân hàng Dầu Khí Toàn cầu). Một số các NHTM CP yếu kém khác (Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín) cũng đang được NHNN lên phương án xử lý. Trọng tâm theo Đề án 254, NHNN đã khuyến khích các ngân hàng tái cơ cấu một cách tự nguyện, chỉ khi các ngân hàng quá yếu kém và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống thì NHNN mới thực hiện các biện pháp can thiệp bắt buộc. Số lượng NHTM Việt Nam đã giảm được một con số đáng kể, giúp phần nào cải thiện được hoạt động cũng như an toàn của hệ thống ngân hàng. Tính đến 31/12/2016, Việt Nam có 45 NHTM, trong đó 04 NHTM nhà nước, 31 NHTM cổ phần, 8 NHTM 100% vốn nước ngoài; 2 ngân hàng liên danh; 2 ngân hàng chính sách; 1 ngân hàng hợp tác xã; 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2017)).
Hệ thống ngân hàng Việt Nam có số lượng ngân hàng lớn nhưng mạng lưới lại phân bố không đều, chủ yếu tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị – nơi có thế mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, điều này làm hạn chế khả năng thu hút và phân bổ nguồn lực tài chính cho các khu vực và các lĩnh vực kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn. Số lượng ngân hàng lớn, hệ thống mạng lưới các NHTM phát triển với tốc độ quá nhanh, số lượng nhiều, chất lượng hoạt động giảm sút gây áp lực cạnh tranh lớn giữa các ngân hàng, không ít ngân hàng hoạt động vì lợi ích cục bộ, chạy đua lãi suất gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ. Xu hướng của các NHTM trong thời gian tới là không mở rộng mạng lưới chi nhánh mà đang đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo hướng mô hình ngân hàng số để tăng năng lực cạnh tranh đồng thời quản lý hiệu quả nguồn lực hướng tới phát triển bền vững hơn.
Về năng lực tài chính
Bên cạnh việc tăng lên về số lượng các NH, chi nhánh thì cơ cấu và giá trị vốn điều lệ của hệ thống NHTM Việt Nam cũng đã tăng lên nhanh chóng. Nhiều NHTM đã có những nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng lộ trình gia tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính. Một số NHTM có vốn điều lệ cao như VietInBank,Vietcombank, BIDV, AgriBank, Sacombank, MB, SCB, EximBank, MSB, SHB có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng. Ba NHTM CP có số vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam là NHTM CP Công thương (37.234 tỷ đồng), NHTM CP Ngoại thương (35.977 tỷ đồng), NHTM CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (34.187 tỷ đồng), tuy nhiên nếu so sánh với các NH trong khu vực và trên thế giới thì con số này ở mức khiêm tốn.
Hệ thống NHTM Việt Nam vẫn còn 8 ngân hàng có vốn điều lệ từ 3.000 – 3.500 tỷ đồng (PGBank, VietBank, VietABank, SGB, Quốc dân, Nam Á, Kiên Long, Bản Việt). Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp tục diễn ra trong thời gian tới trong đó hoạt động M&A sẽ làm giảm số lượng ngân hàng trong hệ thống, đặc biệt là các NHTM nhỏ, yếu kém có thể làm giảm bớt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống thường bắt nguồn từ các NHTM nhỏ, giúp giảm nguy cơ rủi ro hệ thống.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR: Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong các năm gần đây đều có cải thiện. Trong khi nhóm các NHTMCP thường có hệ số CAR khá cao và đang bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn thì các NHTMNN lại có hệ số CAR dường như chỉ đáp ứng theo quy định của NHNN và còn có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Theo quy định trong thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu của các NHTM là 8%, đồng thời quy định cách tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu mới, quy định thêm về khung quản trị rủi ro và nghĩa vụ công bố thông tin tương tự như chuẩn Basel II.
Hệ số CAR của các NHTM Việt Nam đang tính theo hệ số CAR trong Hiệp ước vốn Basel 1 – một cách xác định hệ số an toàn vốn đơn giản. Mặc dù các quốc gia khác trong khu vực đã áp dụng Basel 2 và Basel 3, tỷ lệ an toàn vốn của Việt Nam (theo Basel 1) vẫn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Khi Việt Nam áp dụng theo Basel 2 hệ số CAR của các NHTM sẽ giảm nhiều. Với lộ trình đến tháng 09/2017 Việt Nam có 10 NHTM (Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, VIB, MaritimeBank, Sacombank, MB, ACB và Techcombank) áp dụng theo Basel 2 với CAR theo Basel 2 tối thiểu là 8%. Điều này gây áp lực tăng vốn cho các NHTM trong thời gian tới.
Dưới áp lực của cạnh tranh và phát triển bền vững, các NHTM Việt Nam đang trong quá trình nâng cao năng lực tài chính của mình. Trong bối cảnh mới hầu hết các NHTM đều tập trung vào đẩy mạnh ứng dụng CNTT để nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sự hài lòng và giá trị của khách hàng đồng thời hướng tới chủ động đạt được chuẩn an toàn theo Basel 2.
Về sản phẩm và dịch vụ ngân hàng
Các NHTM Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã và đang không ngừng nghiên cứu và đưa ra những SPDV ngân hàng mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Nếu như trước đây các SPDV ngân hàng chủ yếu tập trung ở huy động vốn và tín dụng thì đến nay hệ thống NHTM đã đa dạng hóa các SPDV ngân hàng bán buôn, bán lẻ trong và ngoài nước, cho vay đầu tư, tài trợ thương mại, bảo lãnh và tái bảo lãnh, kinh doanh ngoại hối, tiền gửi, thanh toán, chuyển tiền, phát hành và thanh toán thẻ tín dụng trong nước và quốc tế, séc du lịch, kinh doanh chứng khoán, bảo hiểm và cho thuê tài chính. Kênh cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng không ngừng được phát triển cả về kênh truyền thống, kênh hiện đại cũng như kênh liên kết qua đối tác phát triển như thẻ thanh toán, ATM, Internet Banking, Mobile Banking được các NHTM đầu tư phát triển mạnh mẽ với nhiều tiện ích đi kèm. Số lượng SPDV NH phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, có những SPDV NH bắt kịp trình độ tiên tiến hiện đại trên thế giới, mang đến nhiều tiện ích cho doanh nghiệp và người dân. Chất lượng SPDVNH không ngừng được cải thiện về công nghệ, tiện ích, về thủ tục giao dịch, thời gian giao dịch được rút ngắn tối đa đối với một lần thực hiện và kéo dài 24/24 giờ với một số SPDV NH tự động.
Tuy nhiên, các NHTM vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng, năm 2016 không có NHTM có tỷ lệ Thu nhập lãi thuần/ Tổng thu nhập dưới 65%. Techcombank và Vietcombank là hai ngân hàng có cơ cấu thu nhập đa dạng hóa nhất nhưng cũng chỉ lần lượt đạt 32% và 26% (Website Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (2016),Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (2016)). Trong khi đó tỷ lệ thu nhập ngoài lãi của các NHTM trên thế giới phổ biến 40-60% cơ cấu thu nhập. Điều đó cho thấy các NHTM Việt Nam cần nỗ lực lớn trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu nhập hướng tới phát triển bền vững hơn. Để đạt được mục tiêu này các NHTM Việt Nam cần đa dạng hóa các SPDV hướng tới cá nhân hóa SPDV ngân hàng, đẩy mạnh nâng cấp công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (fintech) nhất là các hệ thống dịch vụ ngân hàng số hướng tới tối đa hóa lợi ích cho khách hàng với nhiều SPDV và tiện ích hơn.
Mức độ truy cập tài chính
Mức độ truy cập tài chính được đo bằng số lượng các chi nhánh ngân hàng và các máy rút tiền tự động trên 100.000 người. Ở Việt Nam, tính đến 2015, tỷ lệ chi nhánh, phòng giao dịch trên 100.000 người dân trung bình vào khoảng 3,8. Con số thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Philipine (xấp xỉ 9) Thái Lan (12,6) và Indonexia (17,8) và là một khoảng cách khá xa so với các nước có nền kinh tế phát triển OECD (xấp xỉ 24). Hơn nữa, mức độ phân bố các chi nhánh và phòng giao dịch ở nước ta lại không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, gây ra mức độ khó khăn khi truy cập thị trường tài chính ngân hàng cho các tổ chức, cá nhân ở những vùng kinh tế mới nổi hoặc vùng sâu, vùng xa (Website Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2017),Ngân hàng thế giới (2016)).
Tính đến 31/12/2016, số lượng máy ATM mặc dù tăng hơn 14 lần (từ 1.200 máy vào năm 2005 lên trên 17.472 máy hiện nay); số thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tăng hơn 26 lần (từ 10.000 POS năm 2005 lên 263.427 POS hiện nay); số thẻ ngân hàng tăng 55,5 lần (từ 2 triệu thẻ năm 2005 lên 111 triệu thẻ hiện nay), tuy nhiên nếu so sánh với nhiều nước phát triển trong và ngoài khu vực, con số này vẫn còn khá khiêm tốn (Ngân hàng thế giới (2016).
Như vậy, mặc dù hành lang pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán ở nước ta cũng đã nhiều cải thiện. Nhưng những con số trên đây chứng tỏ mức độ truy cập tài chính ở Việt Nam nhìn chung vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển trong khu vực cũng như các nước có thu nhập cao ở OECD, và các nước phát triển khác ở Châu Âu.
Kết quả hoạt động kinh doanh
Hai chỉ số ROA và ROE thường xuyên được sử dụng để có đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Trong đó, tỷ lệ bình quân lợi nhuận ròng sau thuế so với tổng tài sản (ROA) trong giai đoạn 2012-2016 có biến động và có xu hướng tăng trở lại (0,71% năm 2016) đã phản ánh hoạt động hiệu quả của ngân hàng đang được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với một số nước Châu Á mới nổi (Indonesia trung bình khoảng 2%; Malaysia trung bình khoảng 1,36%; Philipines khoảng 1,5% và Singapore khoảng 1,4%) (Website Ngân hàng nhà nước Việt Nam (2017),The Banker (2017)).
Thông qua cấu trúc và thực trạng hoạt động của hệ thống NH Việt Nam trong thời gian qua cho thấy các xu hướng phát triển nổi bật là:
Thứ nhất, các NHTM Việt Nam đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả và an toàn, tạo đà phát triển trong thời gian tới. Các NH đang phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cả 3 khía cạnh về vốn, mạng lưới, nhân sự. Tuy nhiên, quy mô vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới và khu vực. Năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam còn yếu. Mạng lưới phân bổ không đều chủ yếu tập trung tại khu vực thành thị. Nợ xấu đã được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam vẫn còn thấp.
Thứ hai, các NH đang đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ hiện đại hướng tới cá nhân hóa sản phẩm dịch vụ tới từng khách hàng. Các NHTM Việt Nam đã phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại nhưng doanh thu và lợi nhuận của các NH vẫn chủ yếu dựa trên 2 mảng dịch vụ ngân hàng truyền thống là tín dụng và thanh toán. Trong khi đó, cùng với sự phát triển của công nghệ, hành vi và nhu cầu của khách hàng đang thay đổi buộc các NH phải thích ứng để hiểu khách hàng hơn, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tốt hơn để gia tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng. Sức ép cạnh tranh không chỉ đến từ các đối thủ trong ngành mà còn bị cạnh tranh bởi các công ty tài chính công nghệ fintech đang tấn công mạnh mẽ vào các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Điều đó tạo thách thức lớn cho các NHTM Việt Nam hiện nay.
Tái cấu trúc mạnh mẽ với chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm với mô hình hoạt động kinh doanh xoay quanh khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại là chiến lược trọng tâm mà các NHTM Việt Nam đang hướng tới để phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững.
Để lại một bình luận