Vai trò của doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cần đặc biệt được đề cao. Doanh nghiệp là nơi sử dụng phần lớn lực lượng lao động xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp dự báo nhu cầu sử dụng bao gồm số lượng, cơ cấu lao động cho các cơ quan hoạch định chính sách phát triển nhân lực; đồng thời, doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng nội dung chương trình đào tạo và đặc biệt doanh nghiệp phải là nơi để học sinh, sinh viên thực hành, thực tập, để thực hiện nguyên lý “học đi đôi với hành”. Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong công tác giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bằng trải nghiệm thực tế, những người quản trị doanh nghiệp chia sẻ việc lựa chọn nghề nghiệp, chia sẻ sự thành công hoặc thất bại của chính mình là sự định hướng có sức thuyết phục cao nhất đối với học sinh. Đặc biệt, trong di chuyển lao động có kỹ năng trong khu vực hay quốc tế, sự tham gia của phía người sử dụng lao động/doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo đầu ra của nguồn lực đào tạo.
Cần thúc đẩy sự kết hợp 3 “nhà”: Nhà trường – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp (DN) trong đào tạo nhân lực, đặc biệt trong bối cảnh phục vụ CMCN 4.0 và điều này vẫn còn thiếu và yếu tại Việt Nam. Các trường đại học ở Việt Nam cần nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo của các trường đại học ở nước ngoài trong việc xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn rất chặt với DN. Nhờ những trung tâm đó, sinh viên được học tập ở môi trường gắn với thực tế làm việc của các DN và qua đó, các DN liên kết với các trường để tìm nguồn nhân lực tương lai. Như vậy, cần xây dựng môi trường dạy và học gắn rất chặt với môi trường kinh doanh, với thực tiễn và yêu cầu của xã hội.
Việc xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với TTLĐ cả ở cấp độ vĩ mô và cấp cơ sở nhằm đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống giáo dục, đào tạo và dạy nghề hướng vào việc đáp ứng yêu cầu về nhân lực phục vụ cho phát triển của từng địa phương, từng ngành, theo mong muốn của nhà đầu tư, kể cả trong và ngoài nước; đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người học ở mức độ tốt nhất và hiệu quả nhất.
Doanh nghiệp có trách nhiệm chính trong việc đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình, có trách nhiệm đóng góp vào quỹ hỗ trợ học nghề; đồng thời trực tiếp tham gia vào các hoạt động giáo dục, đào tạo như xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề…Doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp thông tin cho các cơ sở đào tạo về nhu cầu việc làm và các chế độ cho người lao; đồng thời thường xuyên có thông tin phản hồi cho cơ sở đào tạo về mức độ hài lòng đối với “sản phẩm” đào tạo của cơ sở này. Ngược lại, cơ sở đào tạo cũng tổ chức theo dõi, thu thập thông tin về học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp; có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin từ phía doanh nghiệp và thay đổi để thích ứng với nhu cầu của doanh nghiệp.
Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, cần chú trọng đến việc mời gọi sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu, có uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế, bao gồm cả các công ty FDI và các Hiệp hội nghề, vào trong quá trình đào tạo. Việc xây dựng giáo trình giảng dạy, thực hiện giảng dạy và kết hợp với tập nghề tại các môi trường quốc tế, những chứng nhận cho chất lượng giảng dạy và sinh viên tốt nghiệp được đánh giá cao là một trong những chứng chỉ quan trọng giúp việc tìm kiếm được việc làm tốt, có mức lương cao cả trong và ngoài nước của người lao động là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.
Để lại một bình luận