Nhóm các yếu tố nhận được nhiều sự quan tâm nhất của các tác giả tác động đến “sự ác cảm của người tiêu dùng” là “chủ nghĩa yêu nước”, “chủ nghĩa dân tộc” và “chủ nghĩa quốc tế”. Cả ba khái niệm này xuất phát từ nghiên cứu trong lĩnh vực chính trị của Kosterman và Feshbach (1989) và Karasawa (2002). “Chủ nghĩa yêu nước” đề cập đến lòng yêu nước của người dân đối với quốc gia mà họ đang sinh sống. “Chủ nghĩa dân tộc” nói đến lòng tự hào dân tộc của người dân đối với quốc gia của họ trong khi đó “chủ nghĩa quốc tế” nói đến tính hướng ra bên ngoài, hướng về thế giới của một người nào đó. Mượn lý thuyết “bản sắc xã hội” (Social Identity Theory) làm nền, các tác giả giải thích cho mối quan hệ cùng chiều giữa “chủ nghĩa yêu nước”, “chủ nghĩa dân tộc” và “sự ác cảm của người tiêu dùng”; mối quan hệ nghịch chiều giữa “chủ nghĩa quốc tế” và “sự ác cảm của người tiêu dùng”. Điều này có nghĩa là, khi một biến cố mà một quốc gia gây ra cho một quốc gia khác thì nhận thức của người dân về biến cố đó có thể sẽ khác nhau. Những người có mức độ yêu nước và tự hào dân tộc cao có thể sẽ có mức độ ác cảm cao hơn so với những người có lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc thấp. Ngược lại, những người có chủ nghĩa quốc tế cao có thể sẽ ít ác cảm hơn. Kết quả nghiên cứu của các tác giả cho thấy “chủ nghĩa yêu nước” có tác động tích cực đến “sự ác cảm của người tiêu dùng” điển hình như Klein và Ettenson (1999); Tian và Pasadeo (2012); Fernández-Ferrín và cộng sự. (2015).
Tuy nhiên, các tác giả khác không cung cấp bằng chứng thống kê để ủng hộ mối quan hệ này vd., Ishii (2009); Hoffmann và cộng sự. (2011). Ishii (2009) cho rằng không thể có mối quan hệ giữa “chủ nghĩa yêu nước” và “sự ác cảm của người tiêu dùng”. Bởi vì, “sự ác cảm” là tổ hợp của cảm xúc và đánh giá của một nhóm người hướng về một quốc gia khác (hướng ra nhóm bên ngoài) trong khi đó, “chủ nghĩa yêu nước” là tình yêu của một người hướng về tổ quốc của họ (hướng vào bên trong). Kết quả kiểm định là một sự mâu thuẫn với giả thuyết mà tác giả đặt ra bởi vì có bằng chứng thống kê cho thấy “chủ nghĩa yêu nước” của người dân TQ càng cao thì sự ác cảm của họ đối với Nhật, Mỹ càng giảm. Kết quả này cho thấy sự xung đột giữa các các tác giả cả về suy diễn lý thuyết và kết quả kiểm định.
Từ các kết quả tổng hợp trên, một số khoảng trống được rút ra từ đó đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo. Từ các lập luận và kết quả kiểm định mâu thuẫn giữa các tác giả cho mối quan hệ giữa “chủ nghĩa yêu nước” và “sự ác cảm của người tiêu dùng”, nghiên cứu tiếp theo nên đánh giá lại mối quan hệ này. Lòng yêu nước của người dân của mỗi quốc gia rất khác nhau phụ thuộc rất lớn vào văn hóa, chính trị ở quốc gia mà người dân đó đang sống, vì vậy cần thực hiện nghiên cứu khám phá để đánh giá nội dung đo lường của khái niệm “chủ nghĩa yêu nước”. Ngoài ra, liệu “chủ nghĩa yêu nước” có tác động tích cực đến “cảm xúc tiêu cực” hay không là câu hỏi cần được trả lời.
Để lại một bình luận