Theo các nhà kinh tế, để phát triển một lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực dịch vụ nói riêng thì cần có sự kết hợp hài hòa nhiều yếu tố như lực lượng sản xuất (LLSX), các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Các yếu tố này sẽ tạo thành một hệ thống tác động qua lại với nhau và tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh dịch vụ:
* Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước
Trong phát triển kinh tế – xã hội, các chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước giữa vai trò quan trọng. Chẳng hạn đó là Chiến lược phát triển kinh tế dịch vụ, định hướng phát triển dịch vụ cảng biển, dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ lao động quốc tế… Hoặc các văn bản pháp lý thể chế hóa các hoạt động liên quan như việc quy hoạch, xây dựng các dự án, đề án, đầu tư nguồn lực cho xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực… Hơn nữa, trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới hiện nay thì các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật cần phải tạo động lực để ngành dịch vụ có thể hội nhập và tận dụng những lợi thế của đất nước để phát triển.
* Nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của dịch vụ và có khuynh hướng tăng mạnh. Nguồn nhân lực cho kinh tế dịch vụ không chỉ trực tiếp hay gián tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ, Marketing với khách hàng… mà còn có thể tham gia vào các hoạt động trực tiếp sản xuất hàng hóa dịch vụ… đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ngoài ra yếu tố văn hóa cũng được coi là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá trị dịch vụ.
* Nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế dịch vụ.
Kinh tế dịch vụ – mà đặc biệt là kinh tế dịch vụ gắn với phát triển vùng biển, đảo thì vốn đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng, có tính quyết định. Nó không chỉ là tiền đề mà bất cứ hoạt động kinh doanh nào cũng cần phải có, mà nó còn có vai trò đặc biệt – đặc thù vì nó gắn với dịch vụ biển, đảo – lĩnh vực đòi hỏi phải có vốn đầu tư vô cùng lớn, đồng bộ. Từ cơ sở hạ tầng vật chất – kỹ thuật như hệ thống giao thông (bao gồm đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển) và gắn liền với nó là hệ thống cầu cảng, bến bãi, các loại phương tiện vận tải, bốc xếp, kho hàng, các cơ sở chế biến… đến các khu vui chơi giải trí, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, nhà hàng, khách sạn và hàng trăm các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ các hoạt động kinh doanh dịch vụ, đồng thời để phục vụ tốt trong kinh doanh dịch vụ cần có nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng đáp ứng được các yêu cầu dịch vụ, do đó cần phải đầu tư vào nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực… Thực tiễn cho thấy ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng vật chất – kỹ thuật đồng bộ, dịch vụ hoàn hảo thì kinh doanh dịch vụ đem lại giá trị kinh tế rất cao ví như dịch vụ cảng biển và logistics ở Singapor, Hồng Kong, dịch vụ du lịch ở Thái Lan, Trung Quốc, hay dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ điện ảnh ở Hàn Quốc… Tuy nhiên để có được thành quả đó, các quốc gia này đã đầu tư nguồn vốn lớn rất hiệu quả vào cơ sở hạ tầng vật chất – kỹ thuật chất lượng cao.
* Các điều kiện tự nhiên, môi trường
Thực tế trên thế giới những quốc gia, dân tộc có nguồn tài nguyên, thiên nhiên phong phú, đa dạng; có môi trường sinh thái trong lành thì đây là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng để phát triển các ngành kinh tế dịch vụ như du lịch, nghỉ dưỡng, nghiên cứu, học tập hay có thể xây dựng các trung tâm nghiên cứu, bảo hộ sinh vật, ứng dụng khoa học công nghệ của nhiều lĩnh vực. Những quốc gia có giàu tài nguyên khoáng sản thì có điều kiện phát triển ngành công nghiệp khai thác và sẽ kéo theo nhiều ngành dịch vụ phục vụ cho công tác nghiên cứu, thăm dò, đo đạc, dịch vụ chế biến khoáng sản, dịch vụ phục vụ cho đời sống của cán bộ, kỹ sư, công nhân. Đối với các quốc gia có nguồn tài nguyên rừng sẽ có điều kiện phát triển ngành trồng trọt, bảo tồn và khai thác, chế biến lâm sản, đây là những mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Những quốc gia có nguồn tài nguyên biển, đảo sẽ có điều kiện phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, đây là những lợi thế to lớn để phát triển các ngành dịch vụ du lịch biển, đảo, khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản, phát triển ngành hàng hải, đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước trên thế giới.
* Các yếu tố quốc tế tác động đến hoạt động kinh tế dịch vụ.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các hoạt động dịch vụ không chỉ chịu sự tác động của các yếu tố kể trên mà còn chịu sự tác động mạnh của các yếu tố quốc tế đó là khi nước ta tham gia vào các tổ chức thương mại quốc tế như WTO, TPP, AEC và các diễn đàn kinh tế thế giới khác sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt các hoạt động dịch vụ từ: dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải quốc tế, dịch vụ du lịch,… đến các dịch vụ thương mại, dịch vụ văn hóa, giáo dục đào tạo, dịch vụ y tế, dịch vụ thẩm mỹ, dịch vụ vui chơi giải trí…; do đó việc nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc; đầu tư các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho kinh tế dịch vụ càng trở nên cần thiết. Đồng thời cần có sự liên doanh, liên kết, hợp tác, phân công lao động trong các hoạt động dịch vụ quốc tế vì lợi ích kinh tế cho các chủ thể kinh doanh dịch vụ đến lợi ích chung của các quốc gia.
Kinh tế dịch vụ phát triển sẽ đem lại lợi ích to lớn cho xã hội như: Tạo ra nguồn thu nhập cho ngân sách nhà nước, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước, tạo nên những giá trị về vật chất, tinh thần cho xã hội như các công trình kiến trúc, khu vui chơi giải trí, đem lại sự phát triển phong phú cho các tổ chức xã hội, đem lại thu nhập cho người lao động góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Và ngược lại nó sẽ tác động để kinh tế dịch vụ tiếp tục phát triển.
Để lại một bình luận