Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đã được Chính phủ đưa ra tại quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020 [22]. Trong đó, quan điểm phát triển là:
– Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội; hình thành một hệ thống thị trường chứng khoán đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính của đất nước;
– Phát triển, mở rộng thị trường chứng khoán có tổ chức, thu hẹp thị trường tự do, đồng thời, đặc biệt coi trọng vấn đề chất lượng và sự an toàn của thị trường, từng bước tiếp cận và đạt tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế;
– Phát triển thị trường chứng khoán theo hướng gắn kết với việc cải cách, sắp xếp khu vực doanh nghiệp nhà nước, tạo động lực cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cả về năng lực tài chính và quản trị doanh nghiệp;
– Nhà nước thực hiện quản lý bằng công cụ pháp luật, có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để thị trường chứng khoán phát triển ổn định, vững chắc; phát huy vai trò của các tổ chức tự quản, hiệp hội nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.
Mục tiêu tổng quát:
Đảm bảo tính công khai, minh bạch, các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty, tăng cường năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lòng tin của thị trường.
Chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế.
Mục tiêu cụ thể
Tăng quy mô, độ sâu và tính thanh khoản của thị trường và hàng hóa trên thị trường chứng khoán:
– Tăng tổng giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu, đạt khoảng 70% GDP vào năm 2020; hướng thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho yêu cầu phát triển kinh tế của cả Chính phủ và doanh nghiệp, đồng thời, làm tốt chức năng phòng ngừa rủi ro cho thị trường cổ phiếu;
– Đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn, đào tạo nhà đầu tư cá nhân.
Tăng tính hiệu quả của thị trường chứng khoán:
– Tái cấu trúc mô hình và thống nhất tổ chức thị trường chứng khoán; từng bước cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán để bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động, thuận tiện trong việc nâng cao năng lực quản trị và thu hút vốn từ các thành viên thị trường;
– Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa phương thức giao dịch và sản phẩm nghiệp vụ của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán; từng bước kết nối với các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán trong khu vực ASEAN.
Nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tăng quy mô, tiềm lực tài chính của các định chế trung gian thị trường và các công ty chứng khoán; đa dạng hóa các hoạt động nghiệp vụ theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; mở cửa thị trường cho các trung gian tài chính nước ngoài, phù hợp với lộ trình cam kết và mức độ cạnh tranh đối với các tổ chức trong nước.
Tăng cường chức năng quản lý, giám sát độc lập của Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Tăng cường tham gia chương trình liên kết thị trường khu vực ASEAN và thế giới về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, hạn chế rủi ro, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa thị trường chứng trong nước và khu vực; tham gia hợp tác quốc tế đa phương giữa Ủy ban Chứng khoán các nước trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ đa phương của Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO).
Để lại một bình luận