1. Chuẩn mực
Chuẩn mực là cách nói chung, người ta thường chia chuẩn mực thành chuẩn mực xã hội và chuẩn mực cá nhân. Tâm lý xã hội học cho rằng sự tương tác xã hội có ảnh hưởng lên hành vi của mỗi cá nhân. Tác động từ những thành viên trong xã hội được gọi là chuẩn mực xã hội. Chuẩn mực xã hội là những quy luật vừa chính thức vừa không chính thức chi phối hành vi của một nhóm người hoặc hành vi của những người trong cùng xã hội nói chung.
Chuẩn mực có ảnh hưởng chi phối đến hành vi của NNT. Nếu xã hội tôn trọng các hành vi tuân thủ tuyệt đối hoặc sẵn sàng tuân thủ và coi đó là những chuẩn mực để phê phán các hành vi cố tình không tuân thủ, bất luận thế nào cũng trốn thuế. Từ đó chuẩn mực trở thành nhân tố có tác động tích cực đến ý thức tự tuân thủ của NNT.
Tâm lý xã hội học đề nghị 4 loại chuẩn mực là: (1) chuẩn mực cá nhân (personal), (2) chuẩn mực mô tả (descriptive), (3) chuẩn mực bắt buộc (injunctive), và (4) chuẩn mực chủ quan (subjective). Những chuẩn mực này khác nhau ở xuất phát điểm và cách thức tác động. Trong khi chuẩn mực xã hội là tác động bên ngoài lên khuynh hướng của cá nhân về giá trị xác định, thì chuẩn mực cá nhân là giá trị bên trong.
2. Chuẩn mực cá nhân
Chuẩn mực cá nhân là tiêu chuẩn đạo đức của cá nhân và những kỳ vọng về hành vi. Chuẩn mực cá nhân có thể phát triển thông qua quá trình tích lũy (internalization) chuẩn mực xã hội (của 1 nhóm hay của xã hội nói chung) mà cá nhân có thể cảm nhận thấy. Một số chuẩn mực xã hội quan trọng trở thành tiêu chuẩn đạo đức của cá nhân.
3. Chuẩn mực mô tả
Chuẩn mực mô tả là một dạng của chuẩn mực xã hội. Chuẩn mực mô tả là cảm nhận về cách thức mà những thành viên của nhóm hoặc của xã hội thật sự cư xử. Những chuẩn mực này tác động lên hành vi của cá nhân trong nhóm hoặc trong xã hội. Chuẩn mực mô tả dựa trên hành vi thật sự của các thành viên trong nhóm (hoặc xã hội) và thỉnh thoảng cũng mâu thuẫn với hành vi mà được nhóm (hoặc xã hội) chấp nhận rộng rãi.
4. Chuẩn mực bắt buộc
Chuẩn mực bắt buộc cũng là một loại của chuẩn mực xã hội. Chuẩn mực bắt buộc là cảm nhận về hành vi mà hầu hết mọi người trong nhóm chấp thuận và không chấp thuận. Khác với chuẩn mực mô tả quan tâm tới hành vi mà các thành viên thực sự làm, chuẩn mực bắt buộc chỉ ra cách mà mọi thành viên nên hành động.
5. Chuẩn mực chủ quan
Chuẩn mực chủ quan là một loại của chuẩn mực xã hội. Chuẩn mực chủ quan là cảm nhận về cách mà hầu hết mọi người quan trọng đối với cá nhân có thể hành động. Chuẩn mực chủ quan là một dạng cụ thể của chuẩn mực bắt buộc. Trong khi chuẩn mực bắt buộc giải thích xã hội như một tổng thể chấp nhận chung, chuẩn mực chủ quan giải thích những điều mà gần với sự chấp thuận của cá nhân hơn. Chuẩn mực chủ quan thường bắt nguồn từ áp lực đến từ người thân và bạn bè. Chuẩn mực chủ quan có thể khiến cá nhân tuân thủ hoặc trốn thuế là do sự chấp thuận của nhóm thành viên thân thiết với cá nhân tác động ảnh hưởng.
6. Cảm nhận công bằng thuế thu nhập cá nhân
Cảm nhận công bằng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng tới quyết định tuân thủ của NNT. Cảm nhận công bằng thuế TNCN được định nghĩa là cảm nhận của NNT về việc có được đối xử công bằng khi thực hiện các nghĩa vụ thuế của NNT với Nhà nước. Khái niệm cảm nhận công bằng về thuế TNCN trong lý thuyết hành vi tuân thủ hoàn toàn dựa vào NNT, đối nghịch so với các khái niệm công bằng do lý thuyết tâm lý hành vi phổ biến đề nghị. Khái niệm này được đề nghị và có thang đo để đo lường trong thực tế tại các quốc gia phát triển.
7. Cảm nhận tham nhũng
Tham nhũng được hiểu theo nghĩa rộng là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Nếu cơ quan thuế hoặc cán bộ thuế có biểu hiện tham nhũng, hoặc câu kết với NNT để vụ lợi sẽ trở thành nhân tố hủy hoại ý thức tự tuân thủ pháp luật thuế. Trong môi trường không tham nhũng, ý thức tự tuân thủ của NNT sẽ được nâng cao. Vì vậy, cảm nhận tham những là nhân tố quan trọng để hình thành ý thức tự tuân thủ của NNT.
Lý thuyết hành vi tuân thủ xem xét tham nhũng dưới góc nhìn của NNT, thông qua NNT để giải thích tham nhũng dựa trên cách hiểu, cách cảm nhận của mỗi NNT.
Để lại một bình luận